Ánh Dương ·
3 năm trước
 2151

Hy sinh thầm lặng của những người thợ cống ngầm

Dưới những con đường ồn ào xe cộ, ít ai biết được rằng, còn có một thế giới khác – thế giới của những người thợ cống ngầm.

Họ là công nhân dọn vệ sinh rác thải với bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực trong công việc thường nhật của mình.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hiện tượng người dân xả rác vào miệng cống, hệ thống kênh mương đáng báo động. Dẫn đến ách tắc hệ thống thoát nước. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, khi mùa mưa làm tăng tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước. Và mỗi khi 'lội nước', trước khi trách người, than trời có lẽ mọi người chúng ta cần tự dặn mình đừng vứt rác ra hệ thống nước xả.

”Tôi đề nghị người dân đừng vứt rác bừa bãi, để an hem công nhân chúng tôi đỡ cực nhọc”, đó là lời chia sẻ của anh Bảy Khánh, một công nhân vệ sinh làm việc tại Công ty Dịch vụ công ích quận 6, câu nói như xoáy sâu vào nội tâm của mỗi con người chúng ta. 

Sống với bùn đen

Với nhiều người, vớt rác có thể là công việc vất vả nhưng không quá khó khăn. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ rất sai lầm bởi thực tế, việc vớt rác trong cống ngầm là công việc với rất nhiều công đoạn, tỉ mỉ. Đặc biệt, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, rất dễ dẫn tới các tai nạn nghề nghiệp thương tâm.

thợ móc cống

Nỗi lòng người thợ móc cống.

Anh Nguyễn Minh Hòa, một công nhân nhiều năm vớt rác ở quận Bình Tân kể, khi bắt đầu thu gom rác ở các tuyến đường, công nhân phải tiến hành bật nắp hố ga các khu vực này lên. Sau đó, các nắp này được phải để hở với thời gian tối thiểu là 1 h đồng hồ cho khí độc, mùi hôi thối trong lòng cống bay đi hết mới bắt đầu công việc. “Do công việc vất vả, nặng nhọc nên anh em trong cùng tổ đều gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Khi một người xuống dưới lòng cống, những người còn lại phải hỗ trợ và chuẩn bị để đưa rác lên. Nhưng cực nhất vẫn là khi cống bị tắc bởi các đồ vật, rác thải. Khi đó, anh em phải chui vào lòng cống để trực tiếp xử lý các tình huống này, đưa rác thải ra. Nhiều đoạn cống ngầm hẹp, sâu là nỗi ám ảnh của những người mới vào nghề”, anh Hòa kể.

Tuy nhiên, chỉ đến khi tận mắt chứng kiến công việc của những người thợ cống ngầm mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ. Từ mùi hôi thối của rác, những thùng rác thải nặng nề cho tới việc trầm mình trong bùn đen nhầy nhụa để đưa rác lên. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải điều khiến công nhân làm nghề này cảm thấy khó khăn bởi đó là công việc theo kế hoạch, có chuẩn bị sẵn.

Điều khiến nhiều người cảm thấy khó khăn nhất chính là việc “giải cứu” các khu vực cống ngầm bị ách tắc do rác thải, gây ngập úng vẫn thường xuyên diễn ra khi có mưa lớn bất ngờ.

“Gần như khi nào có mưa lớn, các khu vực trũng thường xuyên bị ngập úng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên mặt đường, ở dưới sâu trong lòng đất là do cống bị rác thải, các dị vật làm nghẹt, chậm thoát nước. Và công việc của chúng tôi là phải chui vào trong đó, đưa các loại rác thải ra. Nhiều khi, anh em phải làm việc suốt đêm để hoàn thành công việc của mình”, anh Nguyễn Văn Trung, một công nhân khác cùng tổ với anh Hòa kể tiếp.

Được biết, mỗi đội xử lý rác thải cống ngầm hiện nay phải quản lý hàng trăm tuyến đường cống ngầm, dưới các tuyến đường giao thông. Thế nên, các công nhân này gần như không bao giờ hết việc. Cứ làm xong khu vực này, vài ba tháng sau họ lại quay lại khu vực mới bắt đầu. Công việc cứ thế, quanh năm “làm bạn” trong những cống ngầm vậy.

Ám ảnh những tai nạn

Tuy nhiên, điều mà nhiều công nhân khiếp sợ nhất chính là tai nạn nghề nghiệp. Nhẹ nhàng thì bị trầy da, xước tay hay nặng hơn, có thể bị các loại rác như kim tiêm, mảnh kim loại, kiếng… đâm vào tay chân hay bị ngộ độc vì khí tích tụ trong cống. Đặc biệt, ở trong môi trường rất bẩn như cống ngầm, bất cứ vết thương nào cũng ngay lập tức được sơ cứu và bảo vệ, nếu không sẽ bị diễn biến khó lường. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn được nhiều người phải trả giá cho nghề nghiệp của mình.

“Có ông anh bên Tân Bình, mấy năm trước đang làm việc ở gần khu vực sân bay, bị miếng kính chạm nhẹ làm xước tay. Cứ nghĩ bình thường, cố làm cho hết ca rồi sơ cứu nhưng ai dè bị nhiễm vi khuẩn, sưng tấy. Tới đêm thì co giật, sốt cao, gia đình phát hiện, đưa lên bệnh viện nhưng do quá muộn nên bác sỹ chỉ kịp giữ lại tính mạng cho anh, còn cánh tay buộc phải cắt bỏ”, anh Trung tâm sự.

thợ móc cống

Công việc luôn tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước.

Theo lãnh đạo của Công ty cấp thoát nước TP.HCM, do đặc điểm hiện nay, hệ thống cống, nhất là cống ngầm ở thành phố có nhiều đặc thù riêng biệt, nhất là khu vực trung tâm. Ở đó, tình trạng rác thải nhiều nhưng hệ thống cống ngầm lại rất nhỏ vì chúng được xây dựng từ lâu, có khi là trước khi giải phóng nên việc cấp thoát nước hiện nay không đáp ứng được. Tất nhiên, khi ấy công việc của người thợ cống sẽ vất vả và nguy hiểm hơn bội phần. Nhiều đoạn cống ngầm dài cả trăm mét mới có một hố ga để thông với mặt đường. Nếu anh em không quen, không ai đủ can đảm để bước vào đó chứ đừng nói chuyện tới làm việc. Vì thế, rất ít công nhân gắn bó với nghề này được lâu. Phần nhiều họ chỉ làm một thời gian khi còn trẻ, lúc có tuổi là họ xin chuyển nghề vì công việc cực nhọc, lại đòi hỏi nhiều trong khi các chế độ phụ cấp vẫn chưa thực sự tương xứng. 

"Chẳng ai muốn làm cái nghề hôi hám, độc hại, tận đáy xã hội như thế này. Nhưng chừng nào rác còn đầy cống, thói quen tống rác xuống cống vô ý thức của người dân đô thị vẫn còn thì phải có người làm công việc tồi tệ, nhọc nhằn này'", một công nhân thoát nước TP.HCM chia sẻ. 

Anh Phạm Danh Khoa, công nhân cống ngầm Xí nghiệp Thoát nước số 4 (phụ trách quận Đống Đa) nói rằng, xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài có một phần trách nhiệm của người dân, cơ sở kinh doanh. Hiện nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh không lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ, dựng bục bệ, cầu dẫn sai quy định gây cản trở hệ thống thoát nước.

"Để khắc phục tình trạng ngập úng của Thủ đô, ngoài việc nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, chúng tôi rất mong muốn từng cá nhân, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc đảm bảo VSMT, an toàn hệ thống thoát nước", anh Phạm Danh Khoa bày tỏ.

Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người dân xả rác vô tội vạ, dầu mỡ đổ trực tiếp xuống cống, thậm chí công nhân sáng vừa khởi thông xong, chiều quay lại đã thấy tình trạng về như cũ. Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) Bùi Ngọc Uyên thông tin: "Hệ thống thoát nước đã quá tải với những trận mưa lớn lại thêm tác động của con người như vậy, chúng tôi có nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể giải quyết được úng ngập" 

Vẫn biết, công việc của mỗi người đều do sự phân công lao động xã hội tạo ra. Đó là nghề mà họ đã chọn. Nhưng trước khi xả rác bừa bãi, trước khi tiện tay liệng một chất thải nào đó xuống cống với cái chép miệng, phẩy tay như thể đó là chuyện chẳng có gì to tát, hãy nhìn vào đôi mắt sáng nhưng thoảng buồn của anh Bảy Khánh. 

Hãy nghĩ tới chuyện ở quanh thành phố, có những người công nhân đang dầm mình trong lòng cống, dùng tay vớt tất cả những thứ rác ấy, hoặc bỗng dưng bị phân hầm cầu dội xuống cống. Ngay cả khi ai đó vô cảm đến mức không trân trọng giá trị công việc của họ, không cảm thấy cần phải biết ơn họ đã giúp chúng ta có một môi trường sạch sẽ để sống, để hít thở, chạy bộ… ít nhất hãy có ý thức hơn trong việc xả rác ngoài môi trường. 

Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam