Theo một nghiên cứu công bố ngày 31/5, các dòng sông băng tại Iceland trong 20 năm qua đã mất đi diện tích 750 km2, tương ứng 7% diện tích bề mặt sông băng.
Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu - điều mà thế giới đang nỗ lực kiềm chế thông qua một loạt chiến lược thúc đẩy năng lượng sạch, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch,... để giảm khí thải carbon.
Diện tích các dòng sông băng tại Iceland tương đương 10% diện tích đất liền của quốc gia châu Âu này. Nhưng nhiệt độ Trái Đất không ngừng ấm lên đã khiến diện tích bề mặt băng tại nước này trong năm 2019 giảm xuống còn 10.400 km2.
Kể từ năm 1890, diện tích băng bao phủ ở Iceland đã giảm gần 2.200 km2, tương ứng 18%.
Phân tích các hình ảnh do vệ tinh Terra của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chụp được, các nhà khoa học phát hiện trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2019, các dòng sông băng của thế giới đã giảm trung bình 267 tấn băng mỗi năm.
Trong nghiên cứu này, các tác giả còn phát hiện các dòng sông băng trên thế giới đã mất khoảng 227 tỉ tấn băng/năm trong giai đoạn 2000-2004 và 298 tỉ tấn băng/năm trong giai đoạn 2015-2019.
Thật khủng khiếp là băng đang dần tan hết. Liệu với tốc độ ấm lên của Trái đất thì sau bao lâu băng trên thế giới sẽ tan hết? Và khi băng tan do biến đổi khí hậu, thì số vi khuẩn đang bị "khóa" trong lớp băng vĩnh cửu thoát ra ngoài, thì điều gì sẽ đến cho con người?