Kem Tràng Tiền xưa nay vẫn là niềm tự hào của ẩm thực Hà Nội. “Phi thực kem Tràng Tiền, bất thành người Hà Nội” - Đây là câu nói đầy tự hào khi nhắc tới thương hiệu kem đã gắn liền với mỗi người dân thủ đô từ những năm 1958 cho đến nay.
Thương hiệu Kem Tràng Tiền được "khai sinh" vào năm 1958, Kem Tràng Tiền đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm và có được những bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành thương hiệu kem “quốc dân” trên cả nước.
Thế nhưng thật đáng buồn là gần đây, quy trình sản xuất bánh Mochi, kem của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền tại địa chỉ Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội được phóng viên ghi lại và cho biết rằng quy trình còn nhiều tồn tại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, phóng viên ghi nhận tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền cho hay, nhiều người công nhân tại đây không hề sử dụng bao tay trong quá trình sản xuất.
Các công nhân vô tư dùng tay không dính đầy bột kem bỏ vào khay đựng
Thậm chí, một số công nhân tại đây cũng “vô tư” sử dụng tay không để đổ hương liệu từ các can nhựa đã cũ kỹ và cáu cạnh do lâu ngày không được vệ sinh vào trong các chai lọ để đong trước khi đổ vào máy trộn làm kem. Bên cạnh đó, trong khu vực sản xuất kem Mochi, công nhân cũng vô tư dùng tay không dính đầy bột kem bỏ vào khay đựng.
Công nhân dùng tay không dính đầy bột kem để làm việc
Liên quan đến nội dung trên, ông Trương Anh Tuấn - Giám đốc nhà máy sản xuất, Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền đã xác nhận những hình ảnh, tư liệu mà phóng viên cung cấp là nhân viên của nhà máy và cho rằng đó chỉ là trường hợp hy hữu.
Việc không mang khẩu trang khi làm việc, tay không nhào nặn bột bánh tươi rồi lại tay không mang bột đổ vào bồn phối trộn... Liệu những hoạt động này có đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm? Trường hợp nếu xảy ra nhiễm khuẩn, lượng sản phẩm bán khắp nơi sẽ được xử lý ra sao?
Những người tiêu dùng trên khắp cả nước, và đặc biệt là khách hàng quen thuộc của Tràng Tiền tại Hà Nội rất cần được giải đáp những câu hỏi này!
Chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (Chế tài hành chính) Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 có mức xử phạt mạnh hơn với nhiều vi phạm. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến việc kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm; d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. 4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; b) Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật; d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này. 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống. 6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này. |