Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương. Theo ước tính, giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu đạt khoảng 3,8 nghìn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm.
Cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 - 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Việc bảo tồn và phát triển cỏ biển có thể tạo ra tín chỉ carbon có giá trị trên thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, thảm cỏ biển được coi là cỗ máy của hệ sinh thái với vai trò quan trọng đối với môi trường biển. Thảm cỏ biển được coi là bể chứa carbon tự nhiên hiệu quả trong số các hệ sinh thái carbon xanh ven biển quan trọng, vì chúng có thể thu giữ khí carbonic từ không khí thông qua quá trình quang hợp và lưu trữ carbon hữu cơ trong sinh khối và trong trầm tích, từ đó có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam, sự phân bố cỏ biển được tìm thấy ở một số địa điểm ven biển và ước tính tổng diện tích thảm cỏ biển hiện tại là 15.637 ha, có 14 loài cỏ biển được tìm thấy trên toàn quốc.
Theo nghiên cứu trên carboncredits, lượng lưu trữ carbon ở thảm cỏ biển Caribe trị giá 88 tỷ USD mỗi năm. Theo đó, thảm cỏ biển chiếm chưa đến 2% tổng diện tích bề mặt của đại dương, là nơi sinh sống của khoảng 18% loài sinh vật biển. Giống như các loài thực vật khác, cỏ biển sử dụng quá trình quang hợp để hút CO2 từ không khí và lưu trữ trong các mô của chúng. Nhưng quá trình phân hủy diễn ra chậm lại do trầm tích đang tràn vào thảm cỏ biển. Vì thế, hơn 90% lượng CO2 thu được trong thảm cỏ biển được tìm thấy ở lớp trên của trầm tích. Theo ước tính, cỏ biển ở Caribe lưu trữ khoảng 1,3 tỷ tấn CO2. Điều này cho thấy, trữ lượng carbon ở thảm cỏ biển là rất lớn.
Hiện nay, quốc gia có diện tích thảm cỏ biển lớn nhất thế giới là Bahamas với 61%. Đây cũng là quốc gia đầu tiên bán tín chỉ carbon xanh. Giá trị dung lượng lưu trữ CO2 tính bằng đô la là 54 tỷ USD mỗi năm. Tổng giá trị gấp hơn 15 lần GDP năm 2020 của cả nước. Cuba đứng thứ hai với 33% tổng diện tích thảm cỏ biển Caribe, cung cấp tổng giá trị dịch vụ là 84,6 tỷ USD. Giá trị dung lượng lưu trữ CO2 tính bằng đô la là 29,3 tỷ USD mỗi năm. Con số này tương đương 27% GDP năm 2020 của Cuba.
Carbon xanh là carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái biển (bao gồm thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và đầm lầy muối). Khái niệm carbon xanh thu hút nhiều sự chú ý bởi đây là nguồn tín dụng carbon tiềm năng vì các hệ sinh thái biển như cỏ biển có thể thu giữ và lưu trữ lượng carbon khổng lồ.
Trên thực tế, một nghiên cứu khác cho thấy vùng đất ngập nước ven biển và thảm cỏ biển hấp thụ carbon nhanh hơn tới 40 lần so với rừng mưa nhiệt đới. Điều này làm cho chúng trở thành một nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nhìn vào phân tích của McKinsey & Company cho thấy, các giải pháp carbon xanh đã được thiết lập và mới nổi có thể giảm lượng khí thải carbon mỗi năm tới 3 tỷ tấn CO2 (GtCO2). Việc phục hồi và bảo vệ cỏ biển mang lại tiềm năng giảm thiểu lên tới 0,37 GtCO2 – 370 triệu tấn. Khi thảm cỏ biển được bảo vệ hoặc phục hồi, nó có thể thu được nhiều CO2 hơn. Khi lượng carbon thu giữ này được định lượng và xác minh, nó sẽ tạo ra tín chỉ carbon xanh. Một khoản tín dụng đại diện cho một tấn carbon được thu giữ hoặc loại bỏ khỏi khí quyển.
Những khoản tín dụng này có thể được mua bán trên thị trường carbon đối với những người muốn bù đắp lượng khí thải carbon của họ. Doanh thu từ việc bán tín dụng carbon xanh sau đó có thể giúp tài trợ cho việc bảo tồn và phục hồi thảm cỏ biển.
Theo các nhà nghiên cứu, tín dụng carbon xanh có thể là phương tiện để các nước giàu bù đắp lượng khí thải của họ. Bằng cách mua các khoản tín dụng từ các quốc đảo như Bahamas, các quốc gia giàu có đang giúp bảo tồn các hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7938772049515815