Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, lập danh sách các tổ chức/đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì tại địa bàn.
Thực hiện Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định nêu trên của pháp luật.
Theo đó, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì; các tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì trên địa bàn có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 28/4.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định (về trách nhiệm tái chế; trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu) của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 28/4.
Đồng thời, các địa phương thông báo và hướng dẫn các tổ chức, đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì có nhu cầu trên địa bàn gửi đơn đề nghị công bố theo Thông báo số 185/TB-BTNMT ngày 7/4/2023 về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Thông báo số 185, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện công bố danh sách các tổ chức, đơn vị tái chế và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.
Hướng đến mục tiêu chung: Toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, Việt Nam đã triển khai chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích người tiêu dùng; Từ tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa...
Được biết, trên cả nước đã có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với cùng chung mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh-sạch-đẹp, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn…Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam…
Đặc biệt, Việt nam đã xây dựng khung pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động tái chế quản lý. Luật Bảo vệ môi trường 2020, đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến 6 nhóm ngành hàng: pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ( ngày 10/1/2022) với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu). Mỗi năm, lượng chất thải nhựa thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông khó phân hủy. |