Hà Lan ·
3 năm trước
 1446

Khánh Hòa: Đề xuất lấn 1.500 ha biển vịnh Vân Phong

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, đơn vị tư vấn đề xuất lấn 1.500 ha biển tại huyện Vạn Ninh để phát triển kinh tế.

Thông tin này được đưa ra trong buổi làm việc mới đây của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hoà để nghe UBND tỉnh báo cáo một số nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng và đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Bắc Vân Phong. Đây là lần thứ 2, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nghe UBND tỉnh báo cáo tiến độ việc thực hiện đề án nói trên.

Theo đó, đơn vị tư vấn đã bổ sung xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) với diện tích khoảng 3.500 ha và phần lấn biển với diện tích 1.500 ha trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong. Tổng diện tích Khu kinh tế Vân Phong không thay đổi với 150.000 ha, trong đó có khoảng 75.000 ha đất liền và đảo.

Khu vực thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh đang xây dựng bờ kè lấn vịnh Vân Phong 60-80 m để tránh xâm thực.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng BQL Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, so với quy hoạch được phê duyệt năm 2014, đồ án điều chỉnh quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trong đó trọng tâm là dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, công nghệ giải trí hiện đại có casino.

Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, mới đây, đơn vị tư vấn đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để thảo luận về phát triển ngành nghề trọng tâm trong khu kinh tế với mục tiêu giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Đồng thời, tìm hiểu các yêu cầu của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện danh mục cơ chế, chính sách. Đơn vị tư vấn cũng đã dự thảo đề cương cơ chế, chính sách gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư và đang đợi bộ cho ý kiến.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đồ án quy hoạch, BQL Khu Kinh tế Vân Phong cam kết sẽ tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các tổ chức phản biện xã hội vào tháng 5; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa vào ngày 15/5. Sau đó, đơn vị này sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh vào cuối tháng 5; tiếp thu, giải trình ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành để hoàn thiện đồ án, trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 6.

Liên quan đến đề xuất 1.500 ha lấn biển mà đơn vị tư vấn đề xuất, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho rằng, cần phải làm kỹ vấn đề lấn biển như thế nào, không gian lấn biển, tạo vành đai xanh, phát triển thành khu đô thị mới tại khu vực Tu Bông.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Tây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Khánh Hoà cũng cho rằng, diện tích 1.500 ha lấn biển mà đơn vị tư vấn đề xuất quá lớn nên cần đánh giá lại. Ở huyện Vạn Ninh có một số mỏ đá đang khai thác nhưng cần phải rà soát, đánh giá lại trữ lượng.

Khu vực Vạn Ninh hiện xuất hiện tình trạng biển xâm thực. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã và đang tiến hành làm các đoạn kè biển, lấy kinh phí từ nguồn vốn trung ương và địa phương. Đơn cử như khu vực thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) đang hoàn thành kè dài hơn 1,3 km, bố trí như một đê quai lấn biển khoảng 110 m, trong đó phạm vi lấn biển khoảng 60-80 m.

Theo đơn vị quy hoạch, việc lấn 1.500 ha biển hiện chưa xác định cụ thể nhưng chủ trương sẽ lấn ở những vị trí sát bờ vịnh là các bãi cạn, thường xuyên bị xâm thực, ô nhiễm… thuộc các xã ven vịnh Vân Phong.

Được biết, Khu kinh tế Vân Phong thành lập năm 2006, rộng khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước), với lợi thế cảng nước sâu, có thể nhận tàu 200.000 DWT ra vào. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỡ giữ vai trò chủ đạo.

Ngoài ra, nơi đây còn có khu phi thuế quan (thương mại tự do) gồm khu cảng trung chuyển container quốc tế, khu hậu cần cảng; khu thuế quan với cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, công nghiệp, khu dân cư đô thị và hành chính...

TS Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học), việc lấn biển cũng diễn ra ở một số nước thiếu đất đai nhưng họ có công nghệ xử lý môi trường cũng như được tính toán, thiết kế rất cẩn thận. Còn ở nước ta, đa số việc lấn biển đều do doanh nghiệp thực hiện, thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra. Việc đánh giá tác động môi trường cũng không được nghiên cứu bài bản hoặc thực hiện không nghiêm túc. Do đó, cơ quan quản lý cần phải tính toán hài hòa, tránh phá vỡ cảnh quan, vi phạm môi sinh, môi trường.

Nguồn