Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3628

Khánh Hòa: Xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phải sớm xử lý dứt điểm các trường hợp sai phạm để làm gương cho người khác.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã trồng 15,15 ha rừng trồng; chuẩn bị 20.000 cây giống lâm nghiệp; khai thác 155,11 ha rừng trồng sản xuất với sản lượng 8.078,77m3, khai thác củi là 395,64 ster, khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên là 667,48m3.

Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng trái pháp luật, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có xu hướng gia tăng.

Tình trạng phá rừng tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa 

Toàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 23 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng thiệt hại 20,264 ha, 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng gỗ bị khai thác 11,866m3. Hầu hết các vụ việc vi phạm đều xảy ra trên diện tích rừng do các đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý như: Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc và Nam Khánh Hòa.

Ngành chức năng tình Khánh Hòa đánh giá, công tác quản lý rừng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc quản lý diện tích chưa có rừng quy hoạch rừng sản xuất của các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Một số đơn vị chủ rừng chưa thực hiện hết quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị chủ rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ. Khó khăn trong công tác bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu…

Sáng 11/8, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của các ban quản lý, công ty lâm nghiệp, các địa phương trong tỉnh.

Trước thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Đinh Văn Thiệu chỉ đạo các ngành chuyên môn phải xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật. Trong đó, ông Thiệu đề nghị các ban quản lý bảo vệ rừng quản lý thật chặt diện tích rừng đang được giao, không để xảy ra thêm trường hợp lấn chiếm rừng mới; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm rừng; chủ động xác định phần diện tích thuộc phạm vi quản lý để lập hồ sơ quản lý.

Lực lượng kiểm lâm ở các địa phương cần tăng cường hỗ trợ cho các chủ rừng trong công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác, phá rừng trái pháp luật để làm gương cho các đối tượng khác. Triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống cháy rừng, không để xảy ra vụ cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu phương án trồng rừng, chuyển giao rừng cho các địa phương khác nếu không có phương án trồng rừng, không để đất trống; phương án liên doanh, liên kết, khoán rừng cho các địa phương… theo đúng quy định. Rà soát lại quỹ đất và thực hiện giao đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cho thuê môi trường rừng để phục vụ phát triển kinh tế, nhất là ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh…

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, nhiều chuyên gia đánh giá rừng đang mang lại nhiều lợi ích như chống biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tại, lũ lụt. Bên cạnh đó, rừng còn là ngôi nhà của nhiều loài sinh vật, là kế sinh nhai của người dân.

Mất rừng sẽ tác động nghiêm trọng đến cảnh quan thiên nhiên, gia tăng mức độ xói mòn của đất, mất khả năng thấm, giữ nước ngầm, gia tăng bụi trong không khí, làm giảm nồng độ oxi trong khu vực,…

“Mặc dù Chính phủ qua các nhiệm kỳ đều chỉ đạo vô cùng quyết liệt trông công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bằng mọi biến pháp để ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhưng nạn phá rừng vẫn liên tiếp xảy ra, thậm chí là ngày một trầm trọng hơn và khi truy tìm nguyên nhân để mất rừng thì không phải ai xa lạ mà chính là những người được giao trách nhiệm quản lý rừng lại đi phá rừng” - PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh.

Nguồn: Kinh tế Môi trường