Abaca là một cây có họ của cây chuối ở Philippines, các sợi Abaca thường được dùng để sản xuất túi lọc trà và tiền giấy, có độ bền tương đương với polyester và chỉ mất hai tháng để phân hủy. Một nghiên cứu sơ bộ của Philippine Department of Science and Technology đã chỉ ra chất liệu Abaca chống thấm nước tốt hơn chất liệu trong khẩu trang N-95, cũng như có các lỗ rỗng trong phạm vi khuyến nghị lọc chất độc hại của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Chính vì thế, các công ty và nhà máy sản xuất đã chọn Abaca làm chất liệu thay thế để sản xuất khẩu trang làm từ sợi tơ chuối có khả năng thay thế khẩu trang N-95 được làm từ nhựa nhằm làm giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường trước tình trạng ô nhiễm trắng đang hoành hành suốt thời gian qua.
Việc làm ra chất liệu may mặc từ chuối không quá mới mẻ, vải được làm từ sợi chuối có độ mềm và dẻo dai, cũng như độ thoáng khí và thấm hút tự nhiên cùng khả năng phân huỷ sinh học cực kỳ tốt, bên cạnh đó, nó cũng có khả năng kháng nước và chống cháy vô cùng hữu hiệu. Nó được đánh giá là tốt hơn cả lụa.
Về hướng bền vững, vải từ sợi chuối có thể thay thế cho cotton và vải tơ tằm. Ngày nay, vải dệt từ sợi tơ chuối đã được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, phổ biến khắp thế giới với nhiều sản phẩm, từ túi lọc trà đến lốp xe hơi, sari, tờ tiền của Nhật. Sợi từ chuối có thể dùng để làm dây thừng, thảm, vải dệt và giấy thủ công.
Chuối là loại cây chỉ ra trái một lần, người nông dân thu hoạch chuối sau đó đốn bỏ toàn bộ thân cây. Số lượng thân cây chuối bị bỏ mỗi năm hơn 1 tỷ tấn. Theo nghiên cứu, cần có 37kg thân cây để sản xuất 1kg tơ chuối. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất chất liệu may mặc từ thân chuối bỏ đi không được áp dụng rộng rãi vì nhiều hạn chế dẫn đến việc nguồn cung của loại chất liệu này khan hiếm trên thị trường.