Theo bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, tình hình bất ổn của mọi nền kinh tế trên thế giới do ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột địa chính trị, đồng USD tăng giá, tăng lãi suất, các dự báo nguy cơ cao của suy thoái kinh tế toàn cầu…. dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp sơn, mực in Việt Nam năm 2023.
Nhiều công ty nhỏ trong ngành giấy, mực in bị đào thải trong giai đoạn này.
Doanh nghiệp bị “đào thải”
“Đây là năm cực kỳ khó khăn đối các doanh nghiệp trong ngành. Hầu hết sản lượng trong các lĩnh vực của ngành sơn, mực in Việt Nam đều được ghi nhận có sự sụt giảm đáng kể. Đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến xuất khẩu và sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp người lao động”, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền chia sẻ.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường sơn, sơn trang trí chưa có tín hiệu nào khởi sắc. Dự báo sản lượng sơn trang trí 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn sản lượng so với 6 tháng cuối năm ngoái. Sơn bột sẽ phục hồi khoảng 70% so với 2022. Sơn gỗ giảm giảm sản lượng 50%. Trong khi đó, sơn công nghiệp và bảo vệ có độ sụt giảm nhẹ, còn sơn tàu biển không có biến động nhiều. Riêng sơn cuộn sẽ duy trì được sản lượng như 2 quý cuối năm 2022 và đang có tín hiệu phục hồi.
Với ngành mực in, trong 6 tháng đầu năm dự báo không có tín hiệu nào sáng sủa. "Chúng tôi cho rằng, năm 2023 sẽ một năm khó khăn cho ngành sơn, mực in Việt Nam bởi có quá nhiều biến số của kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Nguồn cung và giá nguyên liệu không thể dự đoán được. Chúng tôi khuyến cáo các nhà sản xuất sơn, mực in Việt Nam nên lưu ý đến lịch sử mua hàng của doanh nghiệp để đưa ra quyết định thích hợp", bà Nguyễn Thị Lạc Huyền chia sẻ.
Đồng thời cho biết, đây cũng là giai đoạn mà nhiều công ty nhỏ trong ngành bị đào thải. Một số doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng hoạt động chịu lỗ hoặc tạm dừng hoạt động.
Câu chuyện tương tự với ngành giấy, nhiều doanh nghiệp cho biết từ nửa cuối năm 2022 đến nay, ngành giấy gặp khó khăn chung trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị thế giới.
Nguyên nhân được doanh nghiệp chỉ ra do việc sản xuất giấy phụ thuộc vào nguyên phụ liệu thế giới, giá cả đầu vào tăng, nguyên liệu lại không ổn định, trong khi giá thành sản phẩm gần như không tăng.
Các doanh nghiệp ngành giấy đang chịu lỗ từ cuối 2022 đến nay khi cố gắng duy trì 50-60% công suất, đủ chi trả lãi vay, chi phí sản xuất và lương cho công nhân.
“Không chỉ khó khăn về giá thành, chi phí mà đơn hàng lại hạn chế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, đa số các doanh nghiệp đang chịu lỗ từ cuối 2022 đến nay. Họ cố gắng duy trì 50-60% công suất, đủ chi trả lãi vay, chi phí sản xuất và lương cho công nhân… khấu hao cho đầu tư không có”, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ.
Khó khăn tiếp cận vốn
Trong khi đó, tiếp cận vốn cũng không dễ dàng. Bên cạnh các thủ tục, điều kiện quá phức tạp, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, lãi vay ngân hàng hiện tại dù không còn ở đỉnh, nhưng mức giảm rất nhỏ giọt dù các cơ quan chức năng đã có nhiều chỉ đạo nhằm hạ lãi suất cho vay nhưng lãi suất vốn lưu động cho doanh nghiệp vay vẫn ở mức cao, chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các thủ tục, điều kiện khác, vay trung hạn buộc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm, trong khi lãi suất thực tế nhìn thấp nhưng mua thêm bảo hiểm lại là cao.
Lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, theo ước tính của Hiệp hội, hiện nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50%-60% công suất thiết kế để duy trì sản xuất. Ông Sơn dự báo năm 2023 này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong ngành còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất khác như dệt may, da giày, thuỷ sản… của Việt Nam đang suy giảm.
Do đó, để vượt qua khó khăn, ông Sơn khuyến nghị cần giảm được lãi suất cho vay, đặc biệt vốn lưu động để duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn năm nay.
Đồng thời, cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững bằng việc khuyến khích đầu tư sản xuất bột giấy từ nguyên liệu trong nước với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường.
Ngành giấy là ngành công nghiệp tái tạo, phù hợp tự nhiên với kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các chính sách phù hợp giúp ngành phát triển bền vững.
Đáng lưu ý, với năng lực sản xuất lớn lên đến khoảng 8 triệu tấn/năm, nhưng các nhà máy hiện chỉ chạy khoảng 60% công suất, nên theo ông Sơn hiệu quả không cao.
Dự báo năng lực sản xuất đến năm 2025 có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn nữa, trong khi đó tình hình cho thấy dòng vốn rót vào sản xuất bao bì giấy phổ thông đang tiếp tục gia tăng. Theo ông Sơn, các doanh nghiệp nhỏ đang tiếp tục tăng quy mô sản xuất, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực này tiếp tục tìm đường đầu tư vào Việt Nam.
Do đó người đại diện của Hiệp hội Giấy khuyến cáo doanh nghiệp, nhà đầu tư ngành này nếu tiếp tục rót vốn nâng công suất thì sẽ rất khó khăn về đầu ra.
Theo ông Sơn, hiện khoảng 90% sản phẩm bao bì giấy làm ra tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, để các nhà máy hoạt động hiệu quả thì cần phải gia tăng tỉ lệ xuất khẩu.
Hiệp hội Giấy khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu mới tại các nước như Châu Mỹ, Trung Đông…
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương thừa nhận, bối cảnh kinh tế thế giới hậu COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn về đơn hàng và chuỗi cung ứng. Ngoài việc gia tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế.