Dự án giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn môi trường dòng chảy tại các khu vực biển Đông Á thông qua việc quản lý tổng hợp lưu vực sông (IRBM) vừa được khởi động tại Manila, Philippines.
Dự án khu vực kéo dài 5 năm sẽ thiết lập các cơ chế IRBM ở các lưu vực sông chính của sáu nước thành viên ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam, với sự hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP.
Tổ chức Đối tác Quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), cơ quan thực hiện dự án, sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các bên liên quan ở các nước ASEAN để tăng cường quản trị từ nguồn tới biển, cũng như xây dựng năng lực lập kế hoạch và thúc đẩy các cơ chế quản lý lưu vực sông.
Dự án giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn môi trường dòng chảy tại các khu vực biển Đông Á thông qua việc quản lý tổng hợp lưu vực sông (IRBM) vừa được khởi động tại Manila, Philippines.
Theo đó, Dự án nhằm phát triển các cách thức sáng tạo và thiết thực giúp các cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ chung tay hồi sinh các dòng sông ở Đông Nam Á.
Tại buổi lễ khởi động Dự án, Thứ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines Carlos Primo David nhấn mạnh, việc quản lý hiệu quả sẽ cho phép chúng ta tiếp tục sử dụng nước và các dịch vụ hệ sinh thái khác mà các lưu vực sông cung cấp trong khi mối đe dọa của các sự kiện cực đoan và biến đổi khí hậu gia tăng.
Theo Trưởng Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Philippines Selva Ramachandran, việc sử dụng nước ở các quốc gia ASEAN đang gia tăng nhanh chóng trong khi những thách thức về số lượng và chất lượng nước có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Ekkaphab Phanthavong khẳng định: “Dự án là minh chứng cho hành động tập thể và hướng tới tương lai của ASEAN nhằm cải thiện quản lý tài nguyên nước trong khu vực.”
TS Inthavy Akkharath, Chủ tịch Nhóm công tác ASEAN về quản lý tài nguyên nước cho biết, dự án sẽ tích hợp kiến thức về các kết nối quan trọng giữa sông và biển; đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn để quản lý các dòng sông khác trong khu vực.
Vấn đề ô nhiễm của các con sông không có gì mới. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trong khu vực đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Các nguồn nước tự nhiên ở Đông Nam Á đang chịu áp lực mạnh mẽ vì sự gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nước và các dịch vụ hệ sinh thái liên quan. Nhiều con sông trong khu vực bị ô nhiễm nặng với chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp, khiến chỉ số chất lượng nước (WQI) lên trên ngưỡng không an toàn.
Con sông nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á là sông Mê Kông, trải dài qua năm quốc gia trong khu vực. Đây cũng là con sông dài thứ 12 trên thế giới, là nguồn nước chính cho nhu cầu sinh hoạt, cá và nông nghiệp cho hàng triệu người. Tuy nhiên, do khối lượng lớn rác thải, hiện Mê Kông đang trở thành một trong những con sông ô nhiễm nhất trong khu vực.
Ngoài ra, các con sông khác trong khu vực cũng đang đối mặt với ô nhiễm bao gồm: Sông Irrawady ở Myanmar, Chao Phraya ở Thái Lan và Kinabatangan ở Malaysia.
Đáng chú ý, con sông Marilao chảy qua Metro Manila ở Philippines có mức độ ô nhiễm cao đang gây nhiều lo ngại cho cả chính phủ Philippines cũng như thế giới. Các vật thể nguy hiểm, không thể tái chế như chai nhựa, dép cao su, và vô số những chất thải khác được tìm thấy trên sông. Các sản phẩm chất thải công nghiệp độc hại được đổ xuống sông mỗi ngày, trong khi rác thải sinh hoạt cũng được vứt vào Marilao với số lượng rất lớn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức độ ô nhiễm ở các con sông của Metro Manila rất cao đến nỗi chúng nó thể được coi là “cống mở”. Nguyên nhân chính là chất thải dân cư chưa được xử lý chảy trực tiếp vào các mạch nước. Theo thống kê chính thức, chỉ có 20 – 30 % hộ gia đình của thành phố được kết nối với hệ thống thoát nước. 70 % còn lại của các hộ gia đình có bể tự hoại, tức là có rất nhiều trường hợp rò rỉ chất thải vào tầng nước ngầm.