Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia cho biết, đến ngày 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện do đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW công suất.
Trao đổi về tình hình cung ứng điện mới diễn ra vào đầu tuần này, theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), một số nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc đang gặp một số sự cố khi phải hoạt động hết công suất trong những ngày nắng nóng.
Trong đó, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2 đã gây ảnh hưởng tới nguồn điện cung ứng cho toàn hệ thống.
Được biết, thủy điện hiện chiếm 46,5% tổng nguồn phát điện cho miền Bắc, tương đương hơn 13.000 MW. Nếu chạy 100% công suất, riêng thủy điện đã cấp 312 triệu kwh điện/ngày, tương đương với tiêu thụ điện toàn miền Bắc ngày cao điểm nhất (310 triệu kwh). Nghĩa là nếu đủ nước, chỉ riêng thủy điện cũng đáp ứng đủ điện cho toàn miền Bắc.
Hồ thủy điện Tuyên Quang chỉ còn cách mực nước chết 0,91 m. (Ảnh internet)
Song hiện nay, khi chỉ chạy với hơn 20% công suất do thiếu nước, thủy điện không còn đảm nhiệm được vai trò đảm bảo cấp điện ngay cả trong những ngày thường.
Hiện nay, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện cầm chừng bằng lưu lượng nước về. Thậm chí, nhiều nhà máy vẫn phải dừng phát điện chủ yếu tập trung khu vực Bắc bộ, Bắc Trung Bộ như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế.
Trong đó, Nhà máy thủy điện Thác Bà là thủy điện đầu tiên ở miền Bắc. Đến nay, nhà máy đã hoạt động 52 năm. Thời điểm này những năm trước, lũ tiểu mãn đã về, lòng hồ đã đầy nước. Nhưng năm nay lũ về muộn, nước lòng hồ đã cạn đến ngưỡng kỷ lục.
Thủy điện Thác Bà có 3 tổ máy với công suất 45MW mỗi tổ. Do thiếu nước nên nhà máy đã dừng 2 tổ máy. Chỉ để chạy 1 tổ máy với công suất bằng 1/3 tức là chỉ 15MW để duy trì cấp điện và cấp nước cho hạ du. Như vậy riêng Thủy điện Thác Bà cũng chỉ chạy được hơn 12% công suất phát điện.
Hiện Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.
Bên cạnh đó, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.
Trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng cao, đạt 453 triệu số điện/ngày, chiếm 51% tổng sản lượng toàn hệ thống, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng và tình hình hạn hán ở các hồ thủy điện tiếp tục căng thẳng, mức nước giảm thấp, thấp hơn cả mức xác suất 100 lần khô hạn 1 lần.
Phát biểu tại tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?” tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho rằng, EVN và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã phải huy động nhiều nguồn lực phát điện, bao gồm cả những nhà máy chạy dầu với mức giá lên tới 5.000 đồng/kwh.
“Sau tất cả những nỗ lực, chúng tôi vẫn rất cần sự đồng hành của khách hàng để duy trì hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định. Không tiết kiệm điện, không có biện pháp cấp bách, kịp thời, nhà máy thủy điện Hòa Bình có thể về mức nước chết và chúng ta sẽ mất thêm hơn 1.920MW”, ông Trung thông tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, thủy điện Hòa Bình là nhà máy điều tần cho hệ thống, nếu về mức nước chết, không phải chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, tình hình sẽ khó khăn và căng thẳng hơn nhiều.