Nguyễn Tùng ·
3 năm trước
 4586

Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường được yêu cầu giải quyết những vấn đề gì?

Sau hơn 10 năm triển khai khu đô thị Dương Nội vẫn chưa thể cán đích. Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Nam Cường chủ đầu tư khu đô thị Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án chậm tiến độ và lãng phí tài nguyên đất trong nhiều năm. Vậy Tập đoàn Nam Cường đã có kế hoạch khắc phục như thế nào? Lý do gì dẫn đến việc chậm tiến độ kể trên? 

Vừa qua, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cho ý kiến về nội dung báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc rà soát, làm rõ nội dung công dân tố cáo vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội).

Trong đó có dự án khu đô thị mới Dương Nội do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường (Tập đoàn Nam Cường) làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Dương Nội nằm trong chuỗi các đô thị thuộc dự án trục đô thị phía Bắc Hà Đông với chiều dài 5,7km, mặt cắt ngang 40m đi qua khu đô thị mới Phùng Khoang, Dương Nội, cắt đường Lê Trọng Tấn nối với đường vành đai 4.

Dự án có diện tích 5,6ha, được Nam Cường rót vốn khoảng 7.600 tỷ đồng vào dự án với mục tiêu xây dựng nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại, hồ điều hòa…

khu đô thị mới Dương Nội

Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư KĐTM Dương Nội chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Với khu đô thị mới Dương Nội, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Nam Cường chủ đầu tư khu đô thị Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính hơn 606 tỷ đồng của chủ đầu tư KĐTM Dương Nội, UBND TP Hà Nội cho biết, KTNN khu vực I đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán liên quan đến KĐT này. Đối với các kiến nghị tài chính về xử lý thu hồi ngân sách, chủ đầu tư đã thực hiện dứt điểm.

Đối với kiến nghị xử lý tài chính khác với số tiền hơn 606 tỷ đồng, tháng 9/2019, UBND TP đã có văn bản giao Sở Tài chính đôn đốc các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm kiến nghị kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý vốn đầu tư dự án và có báo cáo kết quả thực hiện gửi KTNN khu vực I.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội: "Do dự án có một số hạng mục chủ đầu tư mới tạm tính và chưa có hồ sơ dự toán, thiết kế, bản vẽ thi công… theo quy định, Tập đoàn Nam Cường và các Sở, ngành, đơn vị vẫn đang tiếp tục thực hiện nội dung này".

khu đô thị Dương Nội

Nhiều lô đất trong khu đô thị mới Dương Nội còn bỏ hoang (Ảnh: Dân Việt)

Ngoài vấn đề về thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây dựng không đúng quy hoạch, thì tiến độ thực hiện dự án cũng khiến người dân bức xúc.

Theo Petrotimes, dù liên tục được gia hạn tiến độ nhưng theo KTNN, kết quả kiểm toán cho thấy, việc thực hiện dự án đã chậm gần 5 năm so với quyết định cho phép đầu tư, còn hơn 50 ngôi mộ chưa di chuyển. Các ô đất ở dự án KĐT Dương Nội hiện nay hoàn thiện 60/169 lô; các lô đất còn lại chủ đầu tư đang triển khai hoặc chưa thi công. Các ô đất cây xanh, công trình công cộng chủ yếu là đất trống...

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, khớp nối hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Còn các công trình hạ tầng xã hội các khu sinh vật cảnh, cây xanh, công viên, hồ điều hoà đang được tiếp tục triển khai thực hiện. 5 công trình trường học chưa đầu tư xây dựng, được chuyển đổi thực hiện theo hình thức xã hội hoá.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai khu đô thị Dương Nội vẫn chưa thể cán đích. Ngoài các khu đất ở đã xây dựng nhà để bán, thì hầu hết các lô đất cây xanh, công trình công cộng trường học... vẫn bỏ trống cho cỏ dại mọc gây lãng phí tài nguyên đất.

Vậy, đối với tình huống chậm trễ xây dựng gây lãng phí tài nguyên đất trong nhiều năm, Tập đoàn Nam Cường đã có kế hoạch khắc phục như thế nào? Lý do gì dẫn đến việc chậm tiến độ kể trên? 

Thêm nữa, có nội dung cho rằng Tập đoàn Nam Cường đã xây dựng không đúng quy hoạch, cụ thể tổng số lượng căn hộ trong bản vẽ chia lô chênh lớn hơn so với tổng số căn hộ trong quyết định phê duyệt quy hoạch là 511 căn hộ, trong đó nhà biệt thự 463 hộ, nhà liền kề 48 hộ. Tuy nhiên Tập đoàn Nam Cường cho rằng, việc không khớp số liệu trên chỉ là sự nhầm lẫn về số học khi soạn thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.

Vậy nghi vấn tự ý thay đổi điều chỉnh quy hoạch, xây thêm hơn 500 căn hộ so với giấy phép phê duyệt, Tập đoàn Nam Cường giải trình thế nào về vấn đề này?