TM ·
2 năm trước
 3581

Khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh cần gì để cất cánh?

Dù có nhiều lợi thế như nhân lực, quỹ đất lớn, vị trí thuận lợi liên kết với nhiều tỉnh nhưng nhiều năm qua khu Tây TP.HCM vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng phát triển. Bài toán làm sao để khu Tây “cất cánh” vẫn đang khiến TP.HCM phải đi tìm lời giải.

Khu Tây có thuận lợi gì?

Khi mà các khu vực khác của TP.HCM đã và đanh phát triển mạnh mẽ thì khu Tây TP.HCM lại vẫn chỉ “yên phận” không chịu vươn mình dù có rất nhiều tiềm năng phát triển. Theo đó, khu Tây TP.HCM gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, đây là hai địa phương vẫn còn quỹ đất rất lớn, có thể thực hiện nhiều dự án lớn.

Bên cạnh đó, khu Tây cũng có nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi khi ít bị tác động tiêu cực của tự nhiên, biến đổi khí hậu. Đây chính là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản sinh thái, công nghiệp và logistic.

Khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh cần gì để cất cánh? - Ảnh 1
Khu Tây TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển

Không chỉ có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khu Tây TP.HCM có lợi thế về vị trí khi là cửa ngõ kết nối với tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, giao thông cũng là điểm nghẽn lớn nhất khiến các nhà đầu tư không mặn mà với khu vực này.

Giải quyết vấn đề này, những năm qua TP.HCM cũng đã thực hiện nhiều dự án mở rộng đường, một số dự án sắp được triển khai như tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), đường trên cao số 5.

Ngoài ra, có 12 dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư, đô thị mới tập trung tại 2 huyện. Trong các dự án về nông nghiệp, có dự án xây dựng và đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, khu nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn. Các khu thương mại dịch vụ giải trí, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao cũng được chú trọng với nhiều dự án mời gọi.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, hiện nay, khi diện tích đất dành cho các dự án lớn và siêu lớn của các nhà đầu tư dần thu hẹp ở các khu vực giáp ranh thì ở Củ Chi vẫn còn khá lớn. Điều này giúp cho các dự án lớn và siêu lớn có sự đầu tư tập trung, không bị manh mún. Huyện Củ Chi luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến với huyện trên cơ sở khơi dậy và khai thác các tiềm năng với mục đích cùng phát triển.

“Khi các nhà đầu tư thực hiện dự án, huyện cũng sẽ tạo cơ chế thông thoáng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục thuộc thẩm quyền của huyện”, bà Thanh Hiền cho biết.

Khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh cần gì để cất cánh? - Ảnh 2
Hóc Môn được kỳ vọng sẽ có những Khu đô thị sinh thái ven sông vì còn nhiều quỹ đất ven sông đẹp

Nhận định về tiềm năng của huyện Hóc Môn, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết, Hóc Môn có vành đai các sông ôm từ phía Đông sang phía Tây rất đẹp. Nếu phát triển đô thị thì sẽ lý tưởng: vừa là trên bến dưới thuyền, vừa buôn bán hàng hóa, vừa phát triển du lịch…

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư uy tín, năng lực, kinh nghiệm để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, tiếp cận thông tin đầy đủ, thuận lợi nhất để đưa ra phương án đầu tư tối ưu” Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết.

Theo các chuyên gia về kinh tế, quy hoạch cho rằng, để phát triển khu Tây và thu hút được nhà đầu tư, TP.HCM cần kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cải cách hành chính một cách thực chất và quan tâm cải thiện hạ tầng giao thông kết nối...

Bên cạnh đó, khâu tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư cũng vô cùng quan trọng. TP.HCM cần giải quyết nhanh chóng vấn đề di dời, giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, TP.HCM cần chọn lọc nhà đầu tư có đủ năng lực, bởi thực tế  tại Hóc Môn và Củ Chi có không ít dự án quy hoạch kéo dài cả chục năm nay.

Giải quyết các tồn tại

Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Khu đô thị Tây Bắc được định hướng trở thành một trong những đô thị vệ tinh với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ về phía Tây Bắc của TP.HCM.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc chưa được như mong muốn do một số nội dung quy hoạch chưa phù hợp, như chỉ tiêu quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 300.000 người đến năm 2025 là rất thấp cho một khu vực rộng, khó đáp ứng tính chất đô thị, không hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao. 

Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 toàn Khu đô thị Tây Bắc với quy mô dân số là 600.000 người, tăng 300.000 người so với chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đề cập ở trên. Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì Khu đô thị Tây Bắc sẽ có cơ sở và sức hút hơn với nhà đầu tư, qua đó sớm trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.

“Để tập trung nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh Tây Bắc, TP.HCM cần kiên quyết giảm xây mới các công trình dự án lớn về văn hóa - xã hội, giảm các cao ốc tại khu vực nội thành, nhất là khu trung tâm. Thay vào đó, từng bước dịch chuyển phát triển các công trình dự án lớn ra các đô thị vệ tinh. Điều này giúp TP.HCM từng bước giãn dân, giảm tập trung dân số ở khu vực trung tâm và thúc đẩy phát triển cân bằng ở các đô thị vệ tinh, vùng ven”, ông Ngân nhận định.

Khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh cần gì để cất cánh? - Ảnh 3
Huyện Củ Chi hiện còn nhiều quỹ đất để phát triển các đô thị lớn, siêu đô thị

Một thực tại cho thấy, hiện trên địa bàn có nhiều dự án chậm triển khai như dự án Safari, Khu công viên giải trí quốc tế Củ Chi, Dự án sân golf, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi mở rộng…

Do đó, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, không nên để các doanh nghiệp “chiếm” đất gây lãng phí, không thực hiện dự án mà bán dự án cho các đơn vị khác rồi tiếp tục “treo”. Đối với các trường hợp này, cần thiết thu hồi dự án để giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết đầu tư.

Còn theo ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện Hóc Môn có một số dự án quy hoạch kéo dài không hiệu quả cần được thu hồi để giao cho các nhà đầu tư mới có năng lực thực hiện. Huyện đang gặp vướng mắc lớn hiện nay về công tác quy hoạch. “Hóc Môn còn 45% diện tích đất vướng quy hoạch. Vì thế, cần giải phóng nguồn lực đất đai; tạo điều kiện cho người dân, cho tổ chức, doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của thành phố để phát triển” ông Khuyên nhận định.

Khải Hoàn