Thuỳ Linh ·
2 năm trước
 2559

Khủng hoảng lương thực ở Madagascar, nguyên nhân do đâu?

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân thúc đẩy cuộc khủng hoảng lương thực ở quốc gia ở Đông Phi Madagascar.

Theo Giám đốc điều hành WFP David Beasley, miền Nam Madagascar đã phải đối mặt với hạn hán liên tiếp tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ, đẩy 1,14 triệu người đến bờ vực của nạn đói.

Ước tính của WFP cho thấy, khoảng 14.000 người đang trong tình trạng vô cùng thảm khốc do nạn đói và dự báo, con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào tháng 10/2021. “Hàng nghìn người ở miền Nam Madagascar đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, trong khi những người muốn ở lại phải sống nhờ vào cỏ dại, những quả xương rồng đỏ và cào cào trong nhiều tháng qua”, WFP cho biết.

Vì vậy, WFP cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực ở Madagascar trở nên nghiêm trọng hơn.

"Tôi đã gặp nhiều phụ nữ và trẻ em phải chiến đấu với thần chết để giữ lấy mạng sống của họ. Họ phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến điểm phân phát lương thực của chúng tôi. Người dân đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, nguyên nhân không phải do chiến tranh hay xung đột, mà chính là vì biến đổi khí hậu. Mặc dù Madagascar không phải là nước gây ra những tác động vào biến đổi khí hậu, nhưng người dân ở quốc gia này lại đang phải trả cái giá đắt nhất", ông Beasley nhận định.

Trước đó, WFP ghi nhận 41 triệu người ở 43 nước trên thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói và sẽ cần khoảng 6 tỉ USD để cung cấp thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng cho 139 triệu người trong năm 2021. Về vấn đề này, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh đây chính là hoạt động lớn nhất trong lịch sử của tổ chức.

Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động đẩy lùi nạn đói

Trong một báo cáo mới công bố vào cuối tháng 3/2021, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực toàn cầu (WFP) đã cảnh báo tình trạng đói cấp tính dự kiến ​​sẽ tăng vọt ở hơn 20 quốc gia trong vài tháng tới nếu không được tăng cường hỗ trợ ngay lập tức.

Theo báo cáo về các điểm nóng nạn đói của FAO và WFP, hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt nạn đói. Yemen, Nam Sudan và miền Bắc Nigeria đứng đầu danh sách 20 quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói và đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.

Hơn nữa, hầu hết quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nạn đói đều ở châu Phi. Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng dự kiến gia tăng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm xung đột, đại dịch Covid-19, khí hậu khắc nghiệt và nạn châu chấu bùng phát. Một vấn đề đáng lo ngại khác là khả năng tiếp cận nhân đạo ngày càng hạn chế đối với những trường hợp cần hỗ trợ.

khủng hoảng lương thực ở đông phi

Trước thực trạng này, nhằm ngăn nguy cơ hàng triệu người chết đói, Giám đốc Điều hành WFP đã khẩn cấp đề nghị ngừng chiến sự và tạo điều kiện cho hoạt động trợ giúp những cộng đồng dễ bị tổn thương. Ông David Beasley cũng kêu gọi 5,5 tỉ USD đóng góp cho hoạt động viện trợ lương thực nhân đạo và các can thiệp khẩn cấp về sinh kế.

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị các hành động ngắn hạn quan trọng ở các quốc gia bị ảnh hưởng để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Các biện pháp này bao gồm từ việc tăng cường lương thực và viện trợ dinh dưỡng, cung cấp hạt giống chịu hạn, triển khai các chương trình lao động, phục hồi các công trình tích trữ nước, tăng cường sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở những nơi hạn chế tiếp cận và người dân thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất địa phương...

Các điểm nóng về nạn đói

Tại Nam Sudan, ước tính có khoảng 7,2 triệu người sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực, tăng 700.000 người so với cùng thời điểm năm 2020, với tỉ lệ suy dinh dưỡng cao, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về lương thực trong giai đoạn tới. Ngoài ra, có khoảng 2,4 triệu người được phân loại nằm trong tình trạng “khẩn cấp”, với 108 nghìn người được xếp vào nhóm “thảm họa/nạn đói”. 

Tình trạng bạo lực kéo dài và suy giảm kinh tế tại Yemen dự kiến sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Tại các khu vực Al Jawf, Amran và Hajjah, số người gặp thảm họa mất an ninh lương thực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần – lên tới 47.000 người vào tháng 6/2021, so với 16.000 người vào tháng 10-12/2020. Với dân số vốn đã rất dễ bị tổn thương, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, di cư ngày càng tăng và tình hình kinh tế xấu đi, nguy cơ xảy ra nạn đói ở Yemen ngày càng rõ rệt. Ước tính có hơn 16 triệu người Yemen dự báo sẽ phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào tháng 6/2021, tăng khoảng 3 triệu người kể từ cuối năm ngoái.

Tại các vùng diễn ra xung đột ở Bắc Nigeria, số người đối mặt với tình trạng khẩn cấp có thể sẽ tăng gấp đôi lên trên 1,2 triệu người vào tháng 8/2021. Trong 6 tháng tới, tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng dự kiến sẽ gia tăng đáng kể ở miền Bắc Nigeria với khoảng 13 triệu người bị ảnh hưởng trừ khi việc hỗ trợ lương thực và sinh kế được tăng cường.

Burkina Faso là quốc gia đã có sự cải thiện nhẹ về an ninh lương thực kể từ tháng 6/2020 do một mùa nông nghiệp tốt và vì người dân ở các khu vực hẻo lánh và không thể tiếp cận trước đây đã có thể nhận được lương thực. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực có thể sẽ tiếp tục đẩy người dân vào tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Khoảng 2,7 triệu người Burkina Faso được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2021 - mức tăng mạnh so với 700.000 người vào năm 2019, trước khi bạo lực leo thang ở quốc gia châu Phi này.

Nguồn