Kim Chi ·
1 năm trước
 6731

Kích hoạt chuyển động nhà ở xã hội

Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhằm phát triển nhà ở xã hội.

Cả nước sẽ có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã gấp rút gỡ vướng cho từng dự án. Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và tiếp tục là gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước. Hàng loạt giải pháp kích hoạt chuyển động nhà ở xã hội.

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành

Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là Hội nghị về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhằm phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh, với lượng người lao động nhiều nhất cả nước, đang được kỳ vọng sẽ là địa phương đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội.

Nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Một dự án nhà ở xã hội duy nhất trong năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh được hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ. Trong khi đó, có tới 9 dự án, với quy mô khoảng 6.500 căn hộ vẫn đang còn dang dở. Nếu nhìn vào mục tiêu phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025 thì con số đạt được vẫn còn khoảng cách khá xa.

Để rút ngắn khoảng cách, trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố về hướng giải quyết; đồng thời lập kế hoạch và làm việc với các doanh nghiệp để hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc; bên cạnh đó, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện quy trình thủ tục dự án, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tạo quỹ nhà, đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Ưu tiên tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội

Dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh vừa được UBND TP Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ sau 4 năm kéo dài vướng mắc pháp lý. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung điều chỉnh quy hoạch cục bộ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để dự án có thể triển khai vào ngày 30/4 tới đây.

"Dự án của chúng tôi diện tích là 5 ha. Nếu thực hiện toàn bộ dự án thì ước lượng khoảng 4.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhưng hiện nay do quy hoạch khu đất không phù hợp, chỉ phù hợp 50%. Chúng tôi cắt ra giai đoạn 1 ước lượng khoảng 2.000 căn. Còn giai đoạn 2 là đất thương mại dịch vụ. Chúng tôi cũng cắt ra và đang xin làm nhà ở xã hội giai đoạn 2", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho hay.

Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã có sẵn quỹ đất để làm nhà ở xã hội nhưng thời gian làm thủ tục hành chính vẫn còn chậm. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần phải có cơ chế riêng để đẩy nhanh thủ tục pháp lý.

"Hiện nay nhà ở xã hội miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên để được miễn tiền sử dụng đất thì bắt buộc phải qua hội đồng và thẩm định tiền sử dụng đất ra giá trị cụ thể, sau đó đến việc miễn tiền sử dụng đất. Khi đó chúng tôi phải chờ một thời gian rất dài để có một kết quả xác định miễn tiền sử dụng đất, lúc đó mới tiếp được các bước tiếp theo của dự án", ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám Đốc, Hưng Thịnh Corporation, thông tin.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nguồn cung mới xây nhà ở xã hội của thành phố đạt 75% kế hoạch, tương đương 15.000 căn. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội toàn thành phố là 200.000 căn.

Do đó, động thái từ phía thành phố được kỳ vọng sẽ tạo tác động tích cực để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

"Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng với các sở, ngành sau khi gặp doanh nghiệp tổ chức ngay Hội nghị chuyên đề để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Việc này không chỉ giải quyết vướng mắc dự án nhà ở xã hội mà giải quyết luôn dự án nhà ở thương mại", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những nội dung trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng lấy kiến, chẳng hạn như đề ra mục tiêu phát triển nhà ở xã hội dành cho người lao động, công nhân trong khu công nghiệp… cũng sẽ như thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội

Sau hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã dành ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu tích cực để khơi thông vốn cho thị trường.

"Gói 120.000 tỷ này phù hợp với chiến lược chung phát triển về nhà ở của Chính phủ. Trong đó có đối tượng cần được hỗ trợ chính là công nhân, người lao động… Chúng ta cũng thấy rằng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững thì rõ ràng việc hỗ trợ cho phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội là phân khúc nhận được sự đồng thuận nhiều nhất từ lãnh đạo và người dân", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho biết.

TP Hồ Chí Minh, với lượng người lao động nhiều nhất cả nước, đang được kỳ vọng sẽ là địa phương đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Hiện nay ngoài định hướng chung về phát triển nhà ở xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang cho vay, với việc 4 ngân hàng thương mại đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì tôi nghĩ rằng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Ngoài ra, trong Đề án Tổng thể về phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. Như vậy, yếu tố đúng lúc đã có, vấn đề tiếp theo đó là đúng chỗ.

Về điều này, các chuyên gia cho rằng cần có thêm những hướng dẫn cụ thể, để nguồn vốn đến đúng đối tượng; đồng thời cũng cần giảm mặt bằng lãi suất vay thương mại để lãi suất ưu đãi phát huy được hiệu quả.

"Chúng tôi đề nghị 4 ngân hàng thương mại trước hết giảm lãi suất từ khoảng 13% hiện nay xuống còn khoảng trên dưới 10%, sau đó giảm từ 1,5 - 2% lãi suất vay, tức là người vay mua nhà xã hội chỉ vay lãi suất 8,5 - 8%, như vậy mới gọi là hỗ trợ cho người vay mua nhà", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất.

Ngoài ra, việc xét hồ sơ vay vốn với thủ tục và quy trình cũng cần thay đổi để thuận tiện và nhanh chóng khi giải ngân, trong đó có thể tính tới việc bảo lãnh cho người lao động, nhất là những trường hợp không chứng minh được thu nhập hàng tháng.