Trần Anh ·
2 năm trước
 2825

Vẫn thực hiện 'mua sắm đặc biệt' kit test Covid như với vắc-xin: Cần biết lý do Bộ Y tế không đấu thầu tập trung

Không hiểu vì lý do gì Bộ Y tế không tổ chức đấu thầu tập trung hoặc hình thức đấu thầu nào có lợi nhất, mà tận tháng 9 này kit test Covid vẫn được đề nghị "mua sắm đặc biệt" như với mua vắc-xin?

Lý do gì khiến Bộ Y tế không thực hiện đấu thầu tập trung đối với kit test Covid-19?

Giá kit test Covid-19 đang là vấn đề rất nóng khi giá công bố trên trang chính thức của Bộ Y tế từ gần 80.000 - 200.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh. 

Trong khi đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đã gây xôn xao khi cho biết rằng nếu như liên hệ trực tiếp với các đơn vị ở nước ngoài, mua số lượng lớn khoảng 100 triệu test thì giá bán sẽ còn khoảng 1 USD, dưới 25.000 đồng/test. Trong khi đó, các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Nếu giảm được 50.000 đồng/test, 100 triệu test sẽ tiết kiệm được 5.000 tỉ đồng. 

Dư luận đặt ra câu hỏi là vì sao giá mua tại nước ngoài chỉ khoảng 25.000 đồng - 35.000 đồng/kit mà giá tại Việt Nam giao động khoảng 80.000 - 200.000 đồng/kit?

hội nghị trực tuyến

Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.

Bộ Y tế cho biết có cập nhật giá trên trang dmec.moh.gov.vn. Tuy nhiên kit test và các trang thiết bị y tế không thuộc danh mục quản lý giá. Đây chính là vấn đề khiến dư luận thắc mắc, rằng vì sao trong khi thuốc thuộc nhóm này và có quy định rất rõ về đàm phán giá, đấu thầu tập trung giúp giảm giá, thì về kit test nhanh lại không thực hiện đấu thầu tập trung giúp tối ưu về giá, tiết kiệm ngân sách nhà nước? 

Chúng ta đều biết rằng nhu cầu sử dụng kit test xét nghiệm tăng rất cao và tỉ lệ rất lớn trong số này là sử dụng ngân sách nhà nước để mua. Vậy tại sao Bộ Y tế không thực hiện đấu thầu? 

Kit test Covid vẫn được đề nghị "mua sắm đặc biệt" như với mua vắc-xin?

Bộ Y tế mới đây đã đề nghị sử dụng ngân sách mua kit xét nghiệm nhanh số lượng lớn với giá trên 60.000 đồng/bộ chưa tính thuế phí. Thế nhưng có doanh nghiệp (DN) đã chào giá thấp hơn.

Điều rất bất ngờ là ngay tại Việt Nam đã có DN gửi thư đến cấp có thẩm quyền, cho biết sẵn sàng bán với số lượng không giới hạn kit xét nghiệm nhanh giá 2,4 USD/bộ (khoảng 56.000 đồng, đã bao gồm thuế phí), rẻ hơn so với giá Bộ Y tế đề nghị mua.

Theo giải thích của nhà sản xuất, hãng này đã bán test kit trên thị trường với giá 3 - 3,4 USD, nhưng có thể cung cấp giá "đặc biệt cho Việt Nam" 2 USD/test kit. Đây là giá FOB tại Hàn Quốc chưa bao gồm thuế phí, nếu tính phí nhập khẩu ủy thác, thuế VAT và phí chuyển hàng khoảng 20%/tổng đơn hàng, tức là 2,4 USD/test kit (khoảng 56.000 đồng/test kit mua tại Việt Nam).

Kit test nhanh Covid

Bộ Y tế mới đây đã đề nghị sử dụng ngân sách mua kit xét nghiệm nhanh số lượng lớn với giá trên 60.000 đồng/bộ chưa tính thuế phí. Thế nhưng có doanh nghiệp (DN) đã chào giá thấp hơn

Theo Tuổi Trẻ, trong danh sách các nhà cung cấp mà Bộ Y tế công khai, có đơn vị có thể cung cấp tới 60 triệu test kit/tháng, nhiều đơn vị cung cấp 5 triệu test kit/tháng. Hoặc DN Hàn Quốc kể trên có thể cung cấp số lượng không hạn chế do năng lực công ty này là 100 triệu test kit/tháng.

Với số lượng đơn vị cung cấp này và với tình hình giá kit xét nghiệm nhanh, test kit PCR trên thị trường, đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp có giá hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất là hoàn toàn có thể và sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách trung ương và địa phương. 

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì lại không tổ chức đấu thầu tập trung hoặc hình thức đấu thầu nào có lợi nhất, mà tận tháng 9 này vẫn đề nghị "mua sắm đặc biệt" như với mua vắc-xin?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định.

Tuy nhiên hiện nay nhiều thành phố đã thực hiện nới lỏng giãn cách, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Nhiều nơi đã không còn thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng dịch kết hợp lao động sản xuất. Vậy việc tổ chức đấu thầu tập trung còn vướng điều kiện gì dẫn đến chưa thế thực hiện được? 

Trong khi đó, việc "loạn giá" kit test nhanh Covid-19 là có xảy ra, với một mẫu kit, giá giảm theo số lượng mua, giảm theo thời gian mua, và có nhiều mức giá khác nhau (với cùng một mẫu kit) trong cùng một thời điểm là tình trạng đã nhìn thấy và còn đang tiếp diễn. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì khiến Bộ Y tế không tổ chức đấu thầu tập trung? 

Nếu cơ quan có trách nhiệm đấu thầu, đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá, thì với việc cung cấp kit test nhanh Covid-19, chúng ta đã có thể tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ. Và dư luận vẫn đặt ra câu hỏi rằng, bao giờ thì kit test nhanh sẽ trở thành mặt hàng bình ổn giá?