Nguyễn Mỹ ·
3 năm trước
 1926

Kon Tum: Hàng trăm m3 gỗ rừng Sa Thầy, Ia H'Drai và Đắk Glei bị đốn hạ và câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng

Hàng trăm m3 gỗ rừng Sa Thầy, Ia H'Drai và Đắk Glei lại được phát hiện nằm la liệt giữa rừng, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Đã đến lúc phải đối diện sự thật rằng "chảy máu rừng" đang là vấn đề cần có biện pháp nghiêm minh để răn đe, không để những lý do như "lực lượng mỏng, diện tích rừng lớn, điều kiện thiếu thốn,..." ngăn cản chúng ta bảo vệ rừng. Trước những thực trạng này, cần đặt câu hỏi và tìm kiếm rằng trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng ở đâu?

Vừa qua, PV phát hiện hàng trăm m3 gỗ bị chặt hạ trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai và Đắk Glei thuộc tỉnh Kon Tum. Taị dây, gỗ rừng bị cắt hạ và tập kết với số lượng lớn ở sâu hàng chục km đường rừng, nếu không chịu khó đi vào sâu phía trong thì khó có thể tiếp cận khu vực rừng bị đốn hạ.

Những cây bị chặt hạ là những cây gỗ cổ thụ có đường kính vài người ôm, cao 20 đến 30m ước đến hàng trăm năm tuổi bị cắt hạ, cưa xẻ thành hộp. 

Phá rừng ở Kon Tum

Gỗ đã được cắt , bổ vuông vắn tại khu vực xã Mo Ray huyện Sa Thầy

Phá rừng ở Kon Tum

Gỗ Dổi, Pơ-mu... tại khu vực rừng phòng hộ Đắk Glei

Theo ghi nhận từ PV Kiểm sát online, sau khi di chuyển tới khu vực rừng thuộc xã Mo Ray, huyện Sa Thầy; sau khoảng 3 giờ đi bộ để băng rừng theo đường mòn, PV đã lên được bãi gỗ, thì lúc này một cảnh tượng xót xa hiện lên trước mắt PV khi chứng kiến những cây gỗ quý như gỗ Dổi, Pơ-mu nằm ngổn ngang trên rừng, dưới suối chờ vận chuyển ra ngoài đưa đi tiêu thụ. 

Tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Đắk Long, huyện Đắk Glei cũng tương tự với thảm cảnh cây rừng bị đốn hạ, gỗ đã bị xẻ thành từng tấm xếp ngay ngắn. Để vào được tới vị trí rừng bị chặt phá này, PV đã phải vượt qua 20km đường rừng để tận mắt chứng kiến những cây gỗ Thông, gỗ Dổi, Gõ, Gáo... nhiều năm tuổi bị cắt đổ ngổn ngang.

Phá rừng ở Kon Tum

Phá rừng ở Kon Tum

Những cây bị chặt hạ là những cây gỗ cổ thụ có đường kính vài người ôm, cao 20 đến 30m ước đến hàng trăm năm tuổi bị cắt hạ

Điều đáng nói là, những "công trường" đốn, cắt, xẻ gỗ đều nằm trong những khu vực thuộc rừng phòng hộ và được trông coi quản lý nghiêm ngặt. Vậy thì trách nhiệm của chủ rừng, của các cơ quan quản lý như thế nào khi để xảy ra tình trạng như vậy?

Rừng Kon Tum bị mất, nhưng đáng buồn thay, lực lượng phát hiện ra lại là phóng viên chứ không phải kiểm lâm hay chủ rừng. Đây cũng là một yếu tố đặt ra nghi vấn về trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng có trách nhiệm là gì? 

Sau câu chuyện này, UBND huyện Sa Thầy, Ia H'Drai và Đắk Glei liệu có phương pháp nào để giữ rừng chặt chẽ hơn? 

Đây không phải lần đầu tiên rừng Kon Tum bị phá mà ngược lại, tỉnh này là một trong những điểm rất "nóng" về nạn phá rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 154 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, với gần 335 m3 gỗ tròn, gỗ quy tròn các loại; gần 56 ha rừng bị thiệt hại.

Chia sẻ về công tác bảo vệ rừng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum từng cho hay công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay của lực lượng Kiểm lâm tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng rất mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, đa số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, phát hiện kịp thời các vụ việc rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn,... 

Tuy nhiên, khi nhìn lại những vụ việc mất rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, và mới đây là hàng trăm m3 gỗ rừng tại các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai và Đắk Glei thuộc tỉnh Kon Tum bị đốn hạ, có lẽ cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Bởi tỉnh Kon Tum có tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 60%, việc mất rừng lại là câu chuyện nổi cộm, vậy có phương pháp nào để kiểm soát rừng một cách chặt chẽ hơn, nhất là những khu vực rừng phòng hộ? 

Thiết nghĩ, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra và sớm đưa các vụ án phá rừng nổi cộm ra xét xử của các cơ quan chức năng tỉnh sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã và đang có ý định phá rừng nhằm bảo vệ "lá phổi xanh" của đất nước!