Lan Hương ·
2 năm trước
 2993

Kon Tum: Vì sao dự án trồng rừng đã được 100ha nhưng đến nay chỉ còn...duy nhất một cây thông cô đơn?

Sau 2 năm, dự án trồng rừng được hơn 104 ha rừng nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất một cây thông cô đơn. Vậy câu hỏi đặt ra là 2 dự án trồng rừng tiền tỷ nhưng không thành rừng, trồng đến đâu chết đến đấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?

Năm 2014 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông được UBND tỉnh Kon Tum giao thực hiện 2 dự án trồng rừng thay thế với diện tích 163 ha, với kinh phí 7,1 tỷ đồng.

Thời gian triển khai từ năm 2014-2017. Mục tiêu của dự án nhằm thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác, tạo cảnh quan môi trường dọc tuyến quốc lộ 24.

Ngay trong năm 2014, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã ký cam kết trồng rừng với gần 200 hộ dân ở xã Pờ Ê và xã Hiếu tiếp giáp. Kết quả nghiệm thu ban đầu trồng được hơn 104 ha rừng so với thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng triển khai trồng rừng, đoàn liên ngành kiểm tra lại phát hiện số cây sống chỉ còn khoảng 10-30%, có nơi cây chết 100%.
 
Đến năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Kon Plông tiến hành trồng dặm gần 81/104 ha trên diện tích rừng đã chết, mật độ 670 cây/ha, chi phí trồng dặm hơn 174 triệu đồng. Qua 2 đợt trồng và dặm, nguồn kinh phí đều lấy từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Thế nhưng rừng trồng vẫn tiếp tục chết.
 
Trước tình trạng "trồng bao nhiêu chết bây nhiêu", năm 2016 Công ty Lâm nghiệp Kon Plông tham mưu UBND tỉnh Kon Tum về việc cho dừng dự án trồng rừng vì cho rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Sau 2 năm, dự án trồng rừng được hơn 104 ha rừng nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất một cây thông cô đơn.

dự án 100 ha rừng chỉ còn 1 cây

Sau 2 năm, dự án trồng rừng được hơn 104 ha rừng nhưng đến nay chỉ còn lại cây thông cô đơn. Ảnh: Lê Kiến

Tổng kinh phí Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đầu tư vào 2 dự án trồng rừng nhưng không thành rừng này là gần 1,5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của công ty. Trong đó, công ty mới thu hồi trong dân được hơn 112 triệu đồng, số tiền còn lại nhiều năm qua chưa thu được do người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy một phần nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng do Công ty Lâm nghiệp Kon Plông thu được coi như "ném xuống sông" theo 2 dự án trồng rừng. 

Trả lời về nguyên nhân sự việc trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum dẫn Báo cáo số 132/BC-C.TY (ngày 5/10/2016 của Công ty Lâm nghiệp Kon Plông), cho biết: "Việc trồng rừng thay thế không thành rừng theo dự án đầu tư trồng rừng thay thế tại xã Pờ Ê là do người dân chưa ủng hộ, đồng tình trả lại đất để trồng rừng, tập quán chăn thả rông gia súc vào khu vực rừng trồng, tiếp tục canh tác mì trên diện tích trồng rừng và phá hoại cây trồng làm mật độ cây trồng suy giảm mạnh".

Về sự việc này, báo Dân Việt có bài phản ánh "UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt 2 dự án trồng rừng tiền tỷ nhưng không thành rừng, trách nhiệm không ai nhận".

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp, vụ việc giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh về "các dự án trồng rừng thay thế với quy mô hơn 100 ha tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông nhưng không thành rừng và gây thiệt hại ngân sách nhà nước". Kết quả kiểm tra, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20/7 và đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Vậy câu hỏi đặt ra là 2 dự án trồng rừng tiền tỷ nhưng không thành rừng, trồng đến đâu chết đến đấy sẽ do ai chịu trách nhiệm? Và lý do người dân chưa ủng hộ, đồng tình trả lại đất để trồng rừng, tập quán chăn thả rông gia súc khiến rừng trồng suy giảm mạnh cho đến khi...không còn cây nào liệu có phải một lý do chính đáng?