·
3 năm trước
 1669

Kỳ vọng Cần Giờ sẽ đưa TP.HCM phát triển thành một cực kinh tế biển lớn mạnh

Theo các chuyên gia, với những tiềm năng sẵn có, huyện Cần Giờ sẽ đưa TP.HCM phát triển thành một cực kinh tế biển lớn mạnh.

Cần Giờ mang chức năng “sống - còn” của toàn vùng

Đánh giá cao những tiềm năng lớn về vị trí địa lý của huyện Cần Giờ, các chuyên gia kinh tế gạo cội khẳng định nếu được "đánh thức" đúng cách, địa phương này sẽ phát triển rất nhanh. 

Với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Cần Giờ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong định hướng chiến lược phát triển của TP.HCM. Ngoài chức năng khu rừng ngập mặn, Cần Giờ còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển. Theo GS Đặng Hùng Võ, nếu nhìn TP.HCM với vai trò là thành phố biển hiện đại, huyện Cần Giờ là vùng duy nhất tiếp giáp cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng chính là điểm giáp biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, TP.HCM muốn tiến ra biển, phát triển kinh tế biển, phải qua Cần Giờ. Vấn đề chính, theo ông Đặng Hùng Võ, là việc phải tạo ra được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn.

Cần Giờ

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT)

Đánh giá về tiềm năng của vị trí địa lý huyện Cần Giờ, chia sẻ trên báo chí, KTS Nguyễn Xuân Anh cho biết, tạo dựng mối liên kết mặt tiền biển Gò Công Đông - Cần Giờ - Vũng Tàu thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, không chỉ mang lại lợi ích cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra cơ hội thông thương đường thủy mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Xuân Anh cũng nhận định, toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rộng lớn chỉ có một cửa biển ra với quốc tế là vịnh Cần Giờ - Gành Rái. Vùng mặt nước bao quanh Cần Giờ tiến sâu vào đất liền theo mạng lưới sông Sài Gòn - Đồng Nai tạo nên một vòng cung nước hình chữ U với mặt tiền sông dài tới 160 km rất tiện lợi cho tàu biển tiến sâu và cặp bến trong đất liền.

Với địa thế của Cần Giờ, KTS Xuân Anh nhận xét đây là khu vực đồng thời mang hai chức năng sống còn đối với toàn vùng. Một là không gian sinh thái ngập mặn điều hoà chất lượng nước và khí hậu như lá phổi và quả thận của toàn vùng. Hai là chức năng vận tải đường thuỷ cho hệ thống cảng biển vây quanh. Chuyên gia này nêu quan điểm cho rằng, Cần Giờ phải trở thành điểm giao thoa của môi trường tự nhiên, văn hoá và kinh tế của các tỉnh trong vùng, và giữa vùng với quốc tế. Tại đây sẽ phát triển đô thị du lịch - ngoại thương, nơi cung cấp điểm giao dịch cho thương gia hoạt động liên quan toàn bộ hệ thống cảng thị Cần Giờ xung quanh.

Cần làm gì để Cần Giờ phát triển?

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia nhắc đến, đó là việc tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục hành chính để các nhà đầu tư thuận tiện hơn khi rót vốn phát triển Cần Giờ. Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho rằng, huyện Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn là lá phổi xanh không chỉ riêng của thành phố mà còn cho cả vùng đô thị, địa phương chung quanh. Ðể Cần Giờ vươn lên, TP.HCM, Trung ương cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, Cần Giờ đang hướng phát triển về một khu đô thị du lịch lấn biển. Ðể sớm về đích, huyện cần phát triển không chỉ bền vững mà cần một tư duy mới mang tính đột phá trên cơ sở phát huy các lợi thế sẵn có.

Một chuyên gia khác lại nhấn mạnh đến 3 yếu tố đặc trưng gắn liền với huyện Cần Giờ, đó là rừng ngập mặn, mặt tiền biển và cửa sông. Theo đó, việc phát triển huyện Cần Giờ là cấp thiết nhưng cũng cần đến việc bảo tồn và gìn giữ hệ sinh thái rừng ngập mặt và tài nguyên biển. 

Nêu quan điểm nhấn mạnh đến giá trị văn hóa trong chiến lược phát triển Cần Giờ, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM cho biết, điều này giúp Cần Giờ có thể phát triển du lịch văn hóa bên cạnh phát triển du lịch sinh thái. Theo chuyên gia, các đặc trưng này nếu được phát huy và "bảo quản" tốt sẽ giúp Cần Giờ phát triển mà không bị biến dạng và mất bản sắc riêng vốn có.

Cần Giờ

Với những tiềm năng sẵn có của huyện Cần Giờ sẽ đưa TP.HCM phát triển thành một cực kinh tế biển lớn mạnh

Một chuyên gia khác lại đề xuất vịnh Cần Giờ phải phát triển thành một đô thi sinh thái hiện đại, thông minh, dựa trên đặc trưng văn hóa - xã hội của địa phương theo hướng thuận thiên, gắn kết với khu dự trữ sinh quyển. Vị này nhấn mạnh nguyên lý cơ bản khi phát triển Cần Giờ là “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”.

Mới đây, sự kiện huyện Cần Giờ đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 và công nhận xã Thạnh An của huyện là xã đảo thuộc TP.HCM đánh dấu bước phát triển mới của địa phương. Với việc đề ra các chính sách thu hút đầu tư hợp lý, khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ "cất cánh" bay cao trong thời gian tới.

Phân tích về lợi thế của huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM tiếp giáp biển, có bờ biển dài, bãi biển rộng và chỉ cách trung tâm TP.HCM 50 km. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển Cần Giờ trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai.

Do đó, ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cần Giờ cần đột phá về nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa chú trọng phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để có thể gánh vác tương lai của Cần Giờ.

Kỳ vọng Cần Giờ sớm “cất cánh”

Cần Giờ có diện tích tự nhiên hơn 70.421 ha, trong đó rừng ngập mặn hơn 33.000 ha, chiếm hơn 45% diện tích. Huyện có vị trí đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM về kinh tế, quốc phòng và là cửa ngõ ra Biển Ðông của thành phố. Cần Giờ cũng là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, toàn huyện có sáu xã và một thị trấn với hơn 19.000 hộ dân (hơn 73.000 nhân khẩu). Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thạnh An là một trong sáu xã thuộc huyện Cần Giờ, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Xã rộng hơn 13.100 ha (18% diện tích Cần Giờ), hơn 1.130 hộ với khoảng 4.500 người.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam