Thanh Thuý ·
3 năm trước
 380

Lá phổi xanh Amazon đang thải nhiều carbon hơn lượng hấp thụ

Rừng Amazon nguy cơ bước vào "chu trình ngược", thay vì thu nạp CO2, nó lại chuyển thành nguồn nhả khí CO2 và làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu.

Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, cung cấp lượng oxy khổng lồ cho sự sống trên Trái Đất. 

 

Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy từ năm 2010 đến 2019, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, được mệnh danh là “lá phổi của Trái Đất”, thải ra 16,6 tỉ tấn carbon dioxide, nhưng chỉ hấp thụ 13,9 tỉ tấn. Phát hiện cho thấy con người không còn có thể dựa vào khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới để giúp hấp thụ lượng carbon do con người tạo ra.

Nghiên cứu cho thấy rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới không còn là "lá phối xanh" giúp giảm ô nhiễm carbon do con người tạo ra. Trong lịch sử, Amazon là một trong những bể chứa cacbon lớn nhất hành tinh, mỗi năm hấp thụ hàng tỉ tấn carbon trong khí quyển. Hệ sinh thái khổng lồ của các loài thực vật ở đây hấp thụ carbon dioxide và biến đổi thành oxygen thông qua quá trình quang hợp. 

Tuy nhiên quá trình quang hợp vô cùng quan trọng này đang trên bờ vực thẳm. Trước tình hình hạn hán, chặt phá và đốt rừng không kiểm soát, vùng rừng này đang ngày càng thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với lượng tích trữ trong đất và cây.

Trong một thập kỷ qua, lưu vực sông Amazon của Brazil đã thải vào khí quyển 16,6 tỉ tấn CO2, cao hơn gần 20% so với lượng hấp thụ là 13,9 tỉ tấn. Nghiên cứu đã xem xét lượng CO2 mà cây rừng hấp thụ khi phát triển, so với lượng thải trở lại bầu khí quyển khi nó bị thiêu rụi hoặc phá hủy.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta có số liệu cho thấy khu vực Amazon của Brazil đã đảo lộn. Nó hiện phát thải carbon nhiều hơn lượng hấp thụ, hay nói cách khác là nơi phát thải ròng", tác giả chính của nghiên cứu Jean-Pierre Wigneron, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp (INRA) nhấn mạnh.

Lá phổi xanh dần dần không còn "xanh" nữa vì những ngọn lửa dữ dội.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự mất rừng ở Amazon - do hỏa hoạn và chặt phá trái phép - đã tăng gần 4 lần vào năm 2019 so với một trong hai năm trước đó, từ khoảng một triệu ha lên 3,9 triệu ha, tương đương diện tích của Hà Lan. Việc áp dụng các chính sách bảo tồn rừng của Brazil đã sụt giảm mạnh kể từ khi tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố nhậm chức vào ngày 1/1/2019.

Lưu vực sông Amazon chứa khoảng một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới, có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn các loại rừng khác. Nếu khu vực này trở thành nguồn phát thải ròng thay vì "bể chứa" CO2, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ khó hơn nhiều.

Sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu vệ tinh mới được phát triển bởi Đại học Oklahoma của Mỹ, nhóm nghiên cứu cũng lần đầu tiên chỉ ra sự phát thải carbon do suy thoái rừng đang làm hành tinh nóng lên nhiều hơn so với nạn phá rừng trái phép.

Trong cùng khoảng thời gian 10 năm, sự suy thoái - gây ra bởi tình trạng phân mảnh, chặt phá có chọn lọc, hay hỏa hoạn - đã tạo ra lượng khí thải nhiều hơn gấp ba lần so với rừng bị chặt phá hoàn toàn.

Điều đó có nghĩa là vùng rừng này đang làm khí hậu ấm lên chứ không phải mát đi như trước kia, đồng thời chúng ta không còn có thể trông cậy vào miền đất này để bù lại những phát thải do con người gây ra, ví dụ như do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Trước nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon dioxide, hệ sinh thái trên cạn toàn cầu luôn có tầm quan trọng sống còn. Năm 2019, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vượt quá 40 tỉ tấn. Trong nửa thế kỷ qua, thực vật và đất đã hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải, mặc dù lượng khí thải này đã tăng 50% trong khoảng thời gian vừa qua. Đại dương cũng đóng một vai trò quan trọng, hấp thụ hơn 20% lượng khí thải.

Đốt rừng phi pháp để lấy đất đang tạo ra những hạt carbon đen hấp thụ ánh sáng mặt trời và nhiệt chiếu xuống hành tinh, còn phá rừng đang làm mất đi hàng vô số diện tích thảm thực vật chỉ để phục vụ hoạt động công nghiệp và khai khoáng

Con người đã làm thoái hóa hoặc phá hủy 2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy nơi đây. Khai thác gỗ và chuyển đổi sử dụng đất chủ yếu phục vụ nông nghiệp đã làm xuống cấp 30% và quét sạch 34% diện tích các khu rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy lâu năm của thế giới.

Mất mát này càng làm cho các khu rừng thêm nguy cơ bị cháy và nguy cơ còn tiếp tục bị hủy hoại. Hơn một nửa hậu quả suy thoái rừng kể từ năm 2002 đến nay là nằm ở vùng rừng Amazon của Nam Mỹ và các khu rừng xung quanh đó. Đây là kết quả phân tích của Quỹ Rừng mưa phi lợi nhuận Na Uy. 

 

Nguồn