Lan Hương ·
3 năm trước
 2306

Lại chuyện "siết" thuế cho thuê nhà, làm sao để người thuê không phải gánh thêm chi phí?

Tôi muốn hỏi rằng, khi chủ cho thuê phải nộp thuế cho thuê nhà, thì giá tiền nhà cao hơn, trong khi những người đi thuê nhà đa phần đã gặp khó khăn trong việc sở hữu một căn nhà thì việc trả quá nhiều tiền thuê sẽ khiến tích lũy giảm, việc mua nhà ngày càng khó khăn. Vậy thì làm sao để người thuê không phải gánh thêm chi phí trong khi thuế cho thuê nhà chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8 sắp tới?

Mức tính thuế 100 triệu đồng/năm có phù hợp nữa hay không?

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng).

Thông tư chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8 sắp tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu có nhà cho thuê trên 100 triệu đồng/năm thì người cho thuê sẽ phải chuẩn bị tinh thần để nộp thuế.

thuế cho thuê nhà

GS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng không lý do gì các nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, người làm công ăn lương, người kinh doanh, khi phát sinh thu nhập thì chịu thuế, mà người cho thuê nhà lại không. Và đây cũng không phải là một luật thuế mới mà nằm trong khuôn khổ các luật thuế hiện hành đã có. Bởi người có phát sinh thu nhập thì phải nộp thuế, theo đúng tinh thần các luật thuế đánh vào thu nhập.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cũng cho biết, trong nền kinh tế thị trường, bất cứ khoản kinh doanh nào có nguồn thu đều phải chịu thuế. Đó là nguồn thu ngân sách quan trọng để chính quyền có thể trang trải cho mọi hoạt động như an sinh xã hội, phát triển hạ tầng. Quy định liên quan tới thu thuế từ nguồn kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê đã là quy định bắt buộc đã có trước đó.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, đây là một trong những luật thuế phức tạp và khó tiến hành thu một cách công bằng và hiệu quả nhất. Đơn giản là vì cả người đi thuê và người thuê nhà đều có xu hướng tránh nộp thuế và có rất nhiều phương cách để tránh.

Ví dụ như nếu cá nhân cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai và nộp thuế, nhưng thực tế là rất nhiều trường hợp thuộc diện này không khai thuế. Câu hỏi đặt ra là "làm thế nào để biết được chính xác thu nhập cho thuê nhà là bao nhiêu, trong khi giao dịch bằng tiền thật có thể lớn hơn số tiền ghi trên hợp đồng?"

Trong khi đó, nhìn nhận về vấn đề này, thời gian qua một số luật sư đã lên tiếng cho rằng mức tính thuế 100 triệu đồng/năm, tức hơn 8,3 triệu đồng/tháng không còn phù hợp cũng như tạo ra sự bất bình đẳng. Do đó, Bộ Tài chính cần chỉnh sửa quy định mức này có thể tăng lên 150 triệu đồng/năm và khi mức trượt giá tăng trên 20% thì điều chỉnh.

Làm sao để người thuê không phải gánh thêm chi phí?

Hiện nay, khi vấn đề này được đưa ra, rất nhiều người đặt ra nhiều lo ngại. Một số ý kiến đặt vấn đề, khi đóng thuế cho thuê nhà, liệu họ có được khấu trừ chi phí đầu vào như chi phí môi giới, chi phí tài chính, chi phí đầu tư trang thiết bị, sửa chữa hàng năm...

Không ít người cho thuê nhà nhưng vẫn phải chi trả lãi một khoản lãi ngân hàng không hề nhỏ do mua trả góp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo rằng với chính sách thu thuế này, giá cho thuê nhà tăng cuối cùng sẽ khiến người đi thuê chịu thiệt.

thuế cho thuê nhà

Những người đi thuê nhà đa phần đã gặp khó khăn trong việc sở hữu một căn nhà, họ lo ngại khi thuế cho thuê nhà có hiệu lực thì việc trả quá nhiều tiền thuê sẽ khiến tích lũy giảm, việc mua nhà ngày càng khó khăn

Chuyên gia thuế TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, việc đánh thuế có thể khiến người đi thuê gặp khó khăn vì chủ nhà đẩy chi phí thuế sang người đi thuê. Tình trạng dẫn tới không thực hiện việc thu thuế, và dẫn tới không đạt được tính chất điều tiết của chính sách thuế.

Ông Tú nói thêm, dù dịch Covid-19 đang phức tạp, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc kiểm soát, truy thu thuế cần được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Chính quyền địa phương nên tổ chức vận động, tuyên truyền chủ hộ kinh doanh đăng ký tạm trú, thường trú cho khách thuê.

Cũng trao đổi về vấn đề này với báo chí, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiểu được những khó khăn của cả người cho thuê nhà và người thuê nhà, nên chính sách thuế đã được xây dựng với mức thuế của cá nhân thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng của cá nhân là 5%, trong khi của doanh nghiệp là 10%; thuế thu nhập cá nhân là 5%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trên chênh lệch (doanh thu trừ chi phí).

Hơn nữa, với những cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng).

Vậy nhưng, vẫn rất nhiều người lo ngại, khi chủ cho thuê phải nộp thuế cho thuê nhà, thì giá tiền nhà cao hơn, trong khi những người đi thuê nhà đa phần đã gặp khó khăn trong việc sở hữu một căn nhà thì việc trả quá nhiều tiền thuê sẽ khiến tích lũy giảm, việc mua nhà ngày càng khó khăn.

Bà Lan cũng khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế trong thời gian tới để phù hợp với tình hình thực tế.

Từ liệu từ Lao Động/VTV