Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8971

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động 36 tháng thấp hơn 6 tháng

Không chỉ so với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động 6 tháng tại các ngân hàng hiện so với kỳ hạn 5 tháng cũng cao hơn 2 - 3 điểm %.

Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết sáng nay (ngày 18/4) có thể thấy, tại một số ngân hàng đã ghi nhận tình trạng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn kỳ hạn 36 tháng.

Trong đó, HDBank hiện đang áp dụng mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng là 8,8%. Trong khi đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng lại chỉ 6,9%. VPBank huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,2% (cao hơn mức 7,3% của kỳ hạn 36 tháng).

Bên cạnh đó, Bao Viet Bank cũng đang niêm yết lãi suất huy động 6 tháng ở mức 8,3%, nhưng với kỳ hạn 36 tháng chỉ được hưởng 8%.

Cùng với đó, SCB huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,25%, so với kỳ hạn 36 tháng cao hơn 0,4 điểm %. NCB áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 8,1% trong khi đó kỳ hạn 36 tháng chỉ là 7,9%.

Được biết, một số ngân hàng khác cũng niêm yết mức lãi suất huy động 6 tháng ngang bằng kỳ hạn 36 tháng như Techcombank, Saigonbank, Nam A Bank...

Cập nhật bảng lãi suất ngân hàng. Nguồn ảnh: Internet.

Trong điều kiện bình thường, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất huy động cho kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn bởi tính ổn định của nguồn vốn tốt hơn.

Giới phân tích cho hay, nguyên nhân một số ngân hàng huy động lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài thể hiện các nhà băng này đang bị vênh cấu trúc kỳ hạn huy động và tín dụng, theo đó các kỳ hạn ngắn thì bị thiếu hụt thanh khoản còn các kỳ hạn dài lại dư thừa. Tuy nhiên, điều này cũng thường gặp tại các NHTM vừa và nhỏ do ngân hàng thương mại vẫn là một lĩnh vực kinh doanh chịu kiểm soát bởi nhiều tỷ lệ thanh khoản phức tạp.

Một CEO ngân hàng cho hay, có thể tình trạng trên đến từ những vấn đề mang tính cục bộ của một số ngân hàng, không thể hiện xu hướng chung của thị trường.

Ngoài ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tối đa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ được 5,5%/năm. Chính vì thế, tại một số ngân hàng tư nhân chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng hiện lên tới khoảng 3%/năm dù chỉ cách nhau 1 tháng. Điều đó cũng đã hướng các khách hàng gửi nhiều tiền hơn ở kỳ hạn 6 tháng để có lãi suất cao hơn đáng kể so với các kỳ hạn ngắn.

Lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng hiện đang là 8,8%/năm. Mức lãi suất này đang được HDBank niêm yết cho các khoản tiền gửi trực tuyến.

Tiếp sau HDBank là Nam A Bank hiện đang huy động lãi suất 8,6% cho kỳ hạn này. Có 3 ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8,5% bao gồm: ABBank, OCB và VietABank.

Ngoài những ngân hàng trên, kỳ hạn 6 tháng vẫn còn 8 ngân hàng khác huy động lãi suất từ 8% trở lên. Trong đó, có cả ngân hàng tư nhân lớn như VPBank  với mức lãi suất 8,2%.

Cần lưu ý, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này. Ngoài ra, tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng mức lãi suất huy động có thể thay đổi.

Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023 do: (1) FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay, (2) nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm, và (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Chứng khoán VnDirect cho hay, kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023.

Để tính tiền lãi bạn có thể áp dụng công thức: Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất %/12 x số tháng gửi.