Tạ Nhị ·
2 năm trước
 2847

Lãi suất tiết kiệm tháng 8/2022 vẫn trong xu hướng tăng

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) tại quầy của các ngân hàng thương mại trong ngày đầu tháng 8/2022 tiếp tục cho thấy xu hướng tăng so với cùng kỳ tháng 7/2022, với mức tăng từ 0,1-0,65% tùy kỳ hạn được khảo sát và tùy từng ngân hàng.

Mức tăng dao động từ 0,1-0,6%/năm so với tháng trước

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng thêm 0,4%/năm, lên mức từ 5,2-6,2%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất của VPBank cũng tăng lên mức 7%/năm kể từ ngày 1/8/2022, tăng nhẹ 0,1%/năm so với trước và áp dụng cho khoản tiền gửi online từ 50 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 36 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cũng tăng nhẹ 0,1%/năm lên cao nhất là 6,5%/năm

Bước sang tháng 8, xu hướng "đua" tăng lãi suất vẫn tiếp tục nóng khi nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. (Ảnh minh họa)

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng đồng loạt từ 0,1-0,5%/năm lãi suất cho các kỳ hạn 3, 6,12 và 24 tháng. Trong đó, tăng cao nhất là kỳ hạn 6 tháng với 0,5%/năm, đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn này lên mức 5,25%/năm.

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải mức tăng cao nhất. Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) còn tăng đến 0,6%/năm cho tiền gửi 1 tháng tại quầy, đưa lãi suất kỳ hạn này lên mức trần 4%/năm.

Tại các kỳ hạn khác, KienlongBank cũng điều chỉnh tăng từ 0,3-0,6%/năm với khách hàng cá nhân và từ 0,3-0,8%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, các mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại KienlongBank là 7,2%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước đó đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn thêm từ 0,1-0,2%/năm, nâng lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Vietcombank lên 5,8%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi trực tuyến, kỳ hạn 12 tháng. Mức tăng tương tự cũng được áp dụng đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng, lên thành 5,6%/năm.

Các kỳ hạn ngắn, mức tăng chỉ 0,1%/năm so với trước đó. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 1 tháng là 3,2%/năm; 3 tháng là 3,6%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng là 4,2%/năm.

Giữa cuộc đua tăng lãi suất tại các ngân hàng

Còn với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của hầu hết các kỳ hạn đều được Vietcombank điều chỉnh tăng 0,1%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 24 đến 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) hồi tháng 7/2022 cũng đã có bước điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài. Lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng này hiện áp dụng ở mức 5,6%/năm.

Trong tháng 8/2022, lãi suất cao nhất hệ thống đang được ghi nhận tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) với mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; 7,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Giữa cuộc đua tăng lãi suất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) lại điều chỉnh lãi suất nhiều kỳ hạn với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại HDBank hiện là 3,9%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm.

Các mức lãi suất cao nhất tại HDBank được áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt là 7,1 và 7,15%/năm với khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên. Nếu gửi dưới 300 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn này là 6,5 và 6,7%/năm.

Theo báo cáo mới đây của Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS), dưới áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỷ giá VND trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động từ doanh nghiệp và dân cư đã nhích lên đáng kể so với năm 2021. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vì thế cũng đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh.

EVS kỳ vọng xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm 2022 trong khi lãi suất cho vay có thể giảm 25-50 điểm cơ bản nhờ gói cấp bù lãi suất 2% của Chính phủ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt là tín dụng BĐS.

Nguồn: Kinh tế Môi trường