Bích Ngọc ·
1 năm trước
 3958

Lại thêm một công ty bất động sản xin “dời hẹn” trả lãi cho lô trái phiếu 1.000 tỷ, lý do là gì?

Tính từ đầu tháng 2 đến nay, một loạt doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, lý do đưa ra là chưa sắp xếp kịp nguồn thanh toán.

Mới đây, CTCP Fuji Nutri Food (FNF) vừa công bố tình hình thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu FNFCH2223001 phát hành tháng 8/2022. Cụ thể, theo kế hoạch ngày 12/2/2023 là ngày thanh toán lãi cho lô trái phiếu này, với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Thế nhưng Công ty dời kế hoạch dự kiến thanh toán sang 20/2/2023 với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Lô trái phiếu của FNF có tổng giá trị huy động là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn ngày 12/08/2023, áp dụng lãi cố định 10%/năm. Được biết, lô trái phiếu của FNF không áp dụng việc hoán đổi tự nguyện, Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành (12/8/2022) theo hình thức gửi thông báo bằng văn bản cho trái chủ, hoặc khi xảy ra vi phạm theo quy định.

Nguồn ảnh: Internet.

Theo GDCK Hà Nội (HNX), FNF còn đang có một lô trái phiếu khác được phát hành vào tháng 3/2021 (trị giá 720 tỷ đồng) và có kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn ngày 18/3/2024). Mục đích của đợt phát hành nhằm góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa FNF và CTCP Địa ốc Ngân Hiệp – doanh nghiệp bất động sản sở hữu dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1 – Hồ Tràm với quy mô hơn 9 ha.

Fuji Nutri Food được thành lập ngày 18/9/2019, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Được biết, tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Bất động sản An Nhiên, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Sau đó, Công ty đổi tên thành Fuji Nutri Food như hiện nay. Vốn sáng lập chỉ 100 triệu đồng, trong đó bà Võ Thu Thảo (sinh năm 1987) nắm giữ 98% cổ phần, còn lại bà Nguyễn Thị Nghĩa (sinh năm 1992) và bà Nguyễn Thị Thu Hằng đồng sở hữu 1% cổ phần. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật là bà Thảo.

Vào tháng 10/2020, bà Thảo chuyển chiếc "ghế nóng" cho ông Lý Trường An, cùng với đó vốn điều lệ doanh nghiệp tăng vọt lên 500 tỷ đồng. 

Sang đến năm 2021, sau đợt phát hành trái phiếu lần đầu tiên, nợ vay dài hạn ở mức 718 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu không biến động. Chiếm trên 97% tài sản là khoản phải thu dài hạn khác (lên đến 1.188 tỷ đồng).

Khi tiếp tục không có doanh thu cốt lõi, thu nhập tài chính của Fuji Nutri Food bất ngờ tăng lên 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng "ngốn" đến 64 tỷ đồng, và trừ thêm 9,3 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại trên 35 triệu đồng.

Được biết, hiện là ông Lý Trường An là người đại diện theo pháp luật. Bên cạnh đó, ông An cũng là đại diện pháp luật cho rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như: CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Bình An (chủ đầu tư dự án Galaxy 9 Residence), CTCP Thương mại đầu tư An Nhi, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Tân Sơn Bình, CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Đại Phát…

Về áp lực thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp năm nay, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý II và III năm nay, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại với giá trị ước tính lần lượt đạt 93.140 tỷ và 89.490 tỷ đồng trong hai quý.

Các chuyên gia cho rằng sau giai đoạn này áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt vào quý IV với tổng giá trị đáo hạn giảm 33% so với quý trước về mức 59.570 tỷ đồng (vẫn tăng 16% so với cùng kỳ).

Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ vào khoảng 272.850 tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 76%.