Hải Yến ·
2 năm trước
 1539

Lâm Đồng: Hơn 51ha đất rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật tại huyện Đức Trọng

Theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, trên địa bàn huyện có hơn 51ha đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện giải tỏa và trồng lại rừng đúng quy định.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát hiện trạng các vụ phá rừng, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm từ năm 2019 – 6/2022 và diện tích đất trống chưa thực hiện trồng rừng (thuộc lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng) của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng  ghi nhận, tổng diện tích đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp, xây dựng trái pháp luật… nhưng chưa thực hiện giải tỏa và diện tích đất trồng quy hoạch cho lâm nghiệp chưa thực hiện trồng rừng là 51,35ha/04 đơn vị chủ rừng. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh 33ha; Ban QLRPH Tà Năng 7,99ha; Ban QLRNLG Đức Trọng 4,08ha và Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh 6,28 ha.

Cụ thể, đối với diện tích đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật từ năm 2019 – 6/2022 hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp, xây dựng trái pháp luật,… nhưng chưa thực hiện giải tỏa gồm 19,91ha. Trong đó, diện tích hiện đang trồng sản xuất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp,.. khoảng 19ha/03 đơn vị chủ rừng (Ban QLRPH Đại Ninh 15,67ha; Ban QLRPH Tà Năng 2,10ha; Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh 1,53ha); Diện tích xây dựng trái pháp luật như nhà kính, chòi tạm, nhà tiền chế, hồ nước,… chiếm khoảng 0,61 ha thuộc Ban QLRPH Đại Ninh.

Còn đối với diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm đã thực hiện giải tỏa nhưng chưa thực hiện trồng rừng khoảng 31,44ha/04 đơn vị chủ rừng (Ban QLRPH Đại Ninh 16,73ha; Ban QLRPH Tà Năng 5,88ha; Ban QLR NLG Đức Trọng 6,28ha; Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh 2,55ha.

Thanh tra Chính Phủ kết luận Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh vướng nhiều sai phạm liên quan tới đất đai, tài nguyên.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Đức Trọng đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai chi nhánh Lâm Đồng khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện giải tỏa cây trồng, công trình xây dựng trái phép, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và trồng lại rừng trên diện tích giải tỏa, diện tích đất trống theo đúng quy định.

Ngoài ra, huyện Đức Trọng còn đề nghị các đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước trên địa bàn huyện và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây nguyên tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên phạm vi diện tích được giao, được thuê đất, thuê rừng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản xử lý đối với những hành vi vi phạm; xây dựng kế hoạch, thực hiện giải tỏa dứt điểm đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn quản lý và khôi phục, trồng lại rừng đảm bảo theo đúng quy định; Khẩn trương báo cáo kết quả rà soát diện tích đất trống, diện tích bị lấn chiếm trên phạm vi, ranh giới được giao quản lý về Hạt Kiểm lâm huyện tổng hợp, hoàn thành trong tháng 9/2022.

Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước thực hiện công tác QLBVR, PCCCR, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và chủ động giải quyết kiến nghị của chủ rừng theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện các nội dung nêu trên; kịp thời tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND huyện xem xét chỉ đạo, xử lý các nội dung liên quan theo quy định.

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư. Dự án này tổng vốn đầu tư thực hiện dự án này khoảng 25.000 tỷ đồng. Diện tích dự án gần 3.600ha, tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn- Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian được giao đất, Công ty đã làm mất 257 ha rừng trong diện tích dự án theo kiểm kê hiện trạng tại các thời điểm 2011 (mất 117 ha) và 2016 (mất 140 ha). Qua thống kê ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty này phải bồi thường số tiền 18,7 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 929 với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn- Đại Ninh.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty này đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.