Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai luôn là vấn đề nóng ở các đô thị lớn, tại Hà Nội các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các quận, huyện, thị xã cũng thường xuyên quán triệt, ra quân xử lý vi phạm, cơ bản các vi phạm đã được phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Tuy vậy, trên thực tế số vụ vi phạm tại các phường, xã vẫn còn và diễn biến phức tạp mặc dù quận huyện, thị xã đã có Đội quản lý trật tự xây dựng và đô thị quản lý, giám sát các hoạt động xây dựng và Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến đất đai. Tương ứng tại các phường, xã có Tổ quản lý Trật tự xây và đô thị và bộ phận địa chính.
Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)
Tràn lan công trình vi phạm trật tự xây dựng
Là một trong những khu vực phát triển của Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là tình trạng hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng từ lớn đến nhỏ tại các khu đô thị, tái định cư, đất đấu giá, đất nông nghiệp,... khiến quy hoạch đô thị phá vỡ kéo theo hàng loạt những hệ lụy như gia tăng dân số, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường.
Điển hình là tại phường Cổ Nhuế 2 hàng loạt công trình nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự tại dự án khu đô thị vô tư thi công sai phép, vi phạm trật tự xây dựng trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền phường sở tại.
Không chỉ ở khu đô thị lớn, tại khu đấu giá 3ha phường Phúc Diễn, khu tái định cư phường Phú Diễn, những công trình vi phạm trật tự xây dựng cũng vô tư mọc lên mặc dù nằm cách trụ sở UBND phường thậm chí là UBND quận Bắc Từ Liêm không xa...?
Khu đất đấu giá 3ha phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm gồm các ô đất đấu giá được phân thành các lô có diện tích trên 140 m2 trừ các lô góc. Không ít công trình được xây dựng mới mục đích kinh doanh hoặc cho thuê để kinh doanh với chiều cao khủng từ 6 - 7 tầng. Nằm xen kẽ với các “công trình khủng” là những nhà xưởng quây tôn, tập kết phế liệu khiến người dân sống tại khu vực không khỏi lo lắng về nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu.
Tại khu tái định cư phường Phú Diễn, nhiều “công trình khủng” được gấp rút thi công hoàn thiện, công trình đã hoàn thành lại tiếp tục cơi nới thêm mọc rầm rộ. Ngoài những vi phạm về mật độ, chiều cao, nhiều công trình vô tư mọc lên trên đất nông nghiệp và tồn tại suốt thời gian dài như thách thức chính quyền địa phương và khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.
Theo phản ánh của người dân, dọc tuyến Quốc lộ 32, đặc biệt khu vực ngay sát trụ sở UBND phường Minh Khai, nhiều công trình lều lán mọc lên phục vụ bán quần áo giá “siêu rẻ”, kinh doanh phế liệu, hoa quả, cây giống,... bày bán tràn lan trên vỉa hè cực kỳ mất trật tự.
Điển hình, vào tháng 10/2022, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Bắc Từ Liêm phối hợp với UBND phường Minh Khai nhiều lần tổ chức kiểm tra, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, đồng thời tham mưu UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Vũ (Tập đoàn Inox Hoàng Vũ) - chủ đầu tư công trình sai phạm trật tự xây dựng tại Lô 01-CN3, Cụm công nghiệp Từ Liêm.
Thế nhưng, sau gần nửa năm, thì công trình của Tập đoàn Inox Hoàng Vũ vẫn tăng quy mô vi phạm “khủng” tại Lô 01-CN3, Cụm công nghiệp Từ Liêm.
Ngoài ra, nằm cách đó không xa là công trình xây dựng tại số 59 Đường Văn Tiến Dũng, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng khiến dư luận không khỏi hoài nghi về độ “khủng” của công trình.
Dư luận không chỉ ngán ngẩm với chiều cao, mật độ “khủng” của công trình mà còn đặt dấu hỏi lớn về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự hay không? Hậu quả sẽ ra sao khi công trình này không may xảy ra mất an toàn cháy nổ?
Tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nếu năm 2016, tỉ lệ công trình vi phạm chiếm 13,9% (2.469/19.138 công trình) thì năm 2017 giảm còn 10,99% (1.916/17.422 công trình), năm 2018 còn 5,28% (891/16.885 công trình), năm 2019 còn 3,07% (605/19.697 công trình) và năm 2020 giảm còn 2,13% (402/18.878 công trình). Đến năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài nên hoạt động xây dựng cũng bị ảnh hưởng.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số lượng công trình xây dựng có phép hằng năm khá lớn, song số lượng công trình vi phạm giảm rõ rệt. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm. Đặc biệt, các vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế. Việc này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đô thị của người dân và doanh nghiệp từng bước được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian tới.
Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm tất cả các công trình đều được kiểm tra, kiểm soát. Từ năm 2023 trở đi, Sở Xây dựng sẽ duy trì thực hiện hằng năm việc thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn.
Qua đó, kịp thời phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, hướng dẫn, nhắc nhở, chấn chỉnh, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Tuy tỉ lệ vi phạm giảm khá mạnh song vẫn có những công trình vi phạm kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc. Điển hình là Lô 01-CN3, Cụm Công nghiệp Từ Liêm; công trình tại 59 Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm; khu vực Đầm Bông, quận Hoàng Mai; biệt thự số 9 lô B, quận Cầu Giấy…
Nguyên nhân những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, theo UBND TP Hà Nội, có phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp chưa kịp thời, sâu sát, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao…
Vì thế, chính quyền TP Hà Nội trong kế hoạch mới đây đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh tay như: kiên quyết không xem xét hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho những chủ đầu tư chưa khắc phục xong vi phạm về trật tự xây dựng…
UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật và chính quyền thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội yêu cầu "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả", quy trách nhiệm đến từng địa phương khi để xảy ra vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6883952908331073