Hà Linh ·
3 năm trước
 1394

Làm sao để hồi sinh sông Tô Lịch khi hàng ngày nguồn thải ra sông không hề qua xử lý?

Nay đọc được bài này từ vnexpress hay quá share cho mọi người. Đúng là miệng nói muốn hồi sinh sông Tô Lịch nhưng chỉ giải quyết phía lòng sông, ra sức làm sạch lòng sông mà hàng ngàn hộ gia đình hàng ngày vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Vậy nếu có thể áp dụng cách nào đó tương tự như dưới đây thì hay quá!

Nhìn dòng mương chứa nước thải sạch sẽ của bãi rác ở quê mình, tôi tự hỏi 'tại sao chúng ta không nhân rộng mô hình xây hố ga này'?

Đây là hình ảnh thơ mộng của con mương dẫn nước ở cánh đồng quê tôi. Nhìn dòng nước rất sạch sẽ, xanh mát này mọi người chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng đây là nơi dẫn nước thải từ bãi rác của làng. Bãi rác này rộng 1.500 m2, là nơi chứa rác của khoảng 750 hộ gia đình, với xấp xỉ 3.000 nhân khẩu. Vậy làm cách nào mà một con mương dẫn nước thải của một bãi rác rộng với lượng dân cư đông như vậy lại vẫn xanh mát như thế?

ô nhiễm nước

Con mương dẫn nước thải của bãi rác 1.500 m2 vẫn sạch sẽ nhờ có hố ga

Câu trả lời là "bãi rác ở làng tôi là bãi rác duy nhất của thị trấn có hố ga" – lời của một vị trong ban điều hành quê tôi. Ông giải thích rằng, bãi rác được thiết kế rất đơn giản: hình mai rùa ở giữa, xung quanh là rãnh nước thải được dẫn ra hố ga trước khi xả ra môi trường. Hố ga này mới chỉ có hai ngăn mà nước thải ra môi trường đã sạch như vậy, nếu hố ga mà có ba, bốn ngăn trở lên thì nước thải ra sẽ sạch đến mức nào?

Nhìn dòng mương chứa nước thải khá sạch sẽ của bãi rác ở quê mình, tôi tự hỏi: tại sao chúng ta không nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc để làng nào cũng như làng tôi? Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến chuyện nước thải sinh hoạt của mỗi hộ gia đình. Nhiều người đã có mong muốn làm sạch sông Tô Lịch của thủ đô. Tuy nhiên vì chứa nước thải trực tiếp chưa qua xử lý của hàng trăm ngàn gia đình nên bao năm qua người ta vẫn cứ loay hoay hồi sinh dòng sông này. Hố ga có lẽ là một giải pháp không tồi.

Nên chăng, chính quyền thủ đô (và các địa phương) khi cấp phép xây dựng cần thêm quy định: mỗi gia đình, trường học... cần xây hố ga trên đường dẫn nước thải ra môi trường? Hố ga có thể gồm hai, ba ngăn; diện tích to hay nhỏ tùy theo lượng chất thải, nước thải của mỗi hộ gia đình, công sở... Nước thải cần phải chảy qua hố ga này để làm sạch trước khi thải ra môi trường, việc này sẽ giúp làm giảm ô nhiễm môi trường. Giải pháp đơn giản này có thể giúp dòng sông Tô Lịch cũng như nhiều dòng sông, con mương chứa nước thải khác trên toàn quốc.

Hơn nữa, ở nông thôn, đất đai rộng, mọi người có thể xem xét xây hoặc chôn bể biogas bằng composite thay cho bể phốt. Bể biogas giúp giảm đáng kể chất thải hữu cơ. Gia đình tôi xây hầm biogas nhiều năm rồi và kết quả cực kỳ hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những khoản đầu tư nhỏ mà mang lai lợi ích lớn nhất của gia đình mình: vừa có lợi cho gia đình, quan trọng hơn là giảm rất nhiều rác thải hữu cơ ra môi trường.

Trường mầm non quê tôi tốn cả trăm tỷ đầu tư xây dựng, nhưng vừa đưa vào sử dụng đã bộc lộ bất cập vì toàn bê tông nên nóng khủng khiếp vào những ngày hè cao điểm vừa qua. May là dịp nóng vừa rồi, học sinh được nghỉ tránh dịch ở nhà, nếu không chắc nhiều gia đình cũng phải cho con mình nghỉ tháng hè vì nóng quá không chịu được. Ngoài ra, ngồi điều hòa nhiều cũng không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Điều đó cho thấy rằng chúng ta chỉ nói nhiều chứ chưa hành động thực sự quyết liệt để bảo vệ môi trường.

Mấy tháng trước, Bill Gates đã cảnh báo: "Biến đổi khí hậu nguy hiểm hơn dịch Covid-19. Dịch bệnh sẽ sớm có vaccine còn biến đổi khí hậu sẽ rất khó giải quyết". Từ thực tế cuộc sống cho thấy, điều ông nói là vô cùng chính xác. Xây hố ga trên đường dẫn nước thải của hộ gia đình, công sở (nếu có thể thì nên sử dụng hầm biogas), trồng nhiều cây xanh, hạn chế bê tông hóa... là những hành động đơn giản mà hiệu quả để chống biến đổi khí hậu, giúp nhiệt độ ngày hè bớt nóng hơn. Hãy hành động sớm để cứu lấy môi trường, cứu lấy sự sống này.