Thành Vũ ·
50 tuần trước
 9195

Lào Cai khắc phục sự cố vỡ hồ thải nhà máy tuyển quặng đồng như thế nào?

Sau sự cố vỡ cống thoát nước của hồ thải quặng, Lào Cai đã bố trí tái định cư cho 11 hộ dân tại thôn Cóc 2, xã Tả Phời với diện tích khoảng 300m2/hộ.

Ngày 17/11 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai thông tin về kết quả khắc phục và xác định nguyên nhân gây ra sự cố vỡ cống D2000 hồ thải quặng đuôi, Nhà máy tuyển đồng Tả Phời (xã Tả Phời, TP Lào Cai) xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 8/8.

Khu vực hồ thải quặng tại Nhà máy tuyển đồng Tả Phời. (xã Tả Phời, TP Lào Cai)

Hơn 100 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại

Qua quá trình tổng hợp bảng tự kê khai của các hộ dân, có tổng số 129 hộ dân có bản tự kê khai; Tổ công tác 670 tiến hành xác minh, tổng hợp, đối chiếu kết quả có 3 hộ không bị ảnh hưởng, 9 hộ không đến đối chiếu xác minh (Đối với 9 hộ, mặc dù đã qua thời gian đối chiếu, xác minh xong vì lý do các hộ đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương cho nên Tổ công tác tiếp tục xác minh, và áp giá và công khai), 117 hộ kê khai thiệt hại đã được đối chiếu xác minh.

Cụ thể số hộ bị thiệt hại về lúa có 45 hộ; số hộ thiệt hại về tài sản, vật nuôi 39 hộ; số hộ vừa thiệt hại về lúa, tài sản 22 hộ; số hộ đồng ý di chuyển đến tái định cư và thiệt hại về tài sản 11 hộ.

UBND thành phố Lào Cai giao Tổ công tác 670 thực hiện niêm yết, công khai bảng áp giá hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại tài sản cho các hộ làm các nhóm: Nhóm thiệt hại về tài sản, vật dụng, phương tiện… bị trôi, hư hỏng của 53 hộ, với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Sau đó được điều chỉnh, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Đối với nhóm thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc trên ruộng lúa có 6 hộ, với số tiền là hơn 55,6 triệu đồng. Nhóm thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa mầu, vật nuôi có 28 hộ, với số tiền hơn 600 triệu đồng.

Đối với công tác hỗ trợ, chi trả đền bù thiệt hại, ước tính thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản vật nuôi bị trôi, máy móc bị hư hỏng gần 5,2 tỷ đồng; lúa bị ảnh hưởng 271 triệu đồng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin khẩn trương di chuyển người dân ở khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn và bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân. Đồng thời, lực lượng chức năng yêu cầu doanh nghiệp lập tức dừng sản xuất nhà máy tuyển, huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị khắc phục sự cố.

Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin đã hỗ trợ 177 triệu đồng cho các hộ dân. Ngoài ra Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo công ty thực hiện chi trả cho 104 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, với số tiền trên 5,6 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã bố trí tái định cư cho 11 hộ dân thôn Phời 3, xã Tả Phời nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Vị trí tái định cư tại thôn Cóc 2, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai; diện tích tái định cư khoảng 300m2/hộ.

Cần xem lại đánh giá tác động môi trường

Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy 6 mẫu nước tại 3 vị trí (khu vực Trạm Y tế xã Tả Phời, khu vực suối Phời hợp lưu với suối Cóc và ở hồ sự cố) vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều, tiến hành kiểm nghiệm.

Kết quả phân tích mẫu nước và bùn tại các vị trí cho thấy, ở lần phân tích cuối cùng, các chỉ tiêu đều nằm trong quy chuẩn; nước mặt dọc suối ở khu vực xuất hiện sự cố có chất lượng không khác biệt so với thời điểm trước khi xảy ra.

Tổ công tác do UBND tỉnh thành lập cũng xác định nguyên nhân gây ra sự cố là do trời mưa lớn kéo dài làm biến đổi trạng thái cơ lý bùn đất trong lòng hồ, gây phát sinh bất lợi trong kết cấu, làm cho khớp nối giữa các đoạn cống ngày càng mở rộng, tách rời theo thời gian. Dẫn đến kết cấu tuyến cống thoát nước không chịu được áp lực khi bùn và nước trong lòng hồ thải dâng cao.

Các nguyên nhân trên dẫn đến kết cấu tuyến cống thoát nước không chịu được áp lực bùn và nước trong lòng hồ thải khi dâng lên vượt ngưỡng chịu tải.

Theo PGS.TS Trần Lê Lựu, Đại học Việt Đức, quá trình tuyển quặng đồng trải qua nhiều công đoạn, trong đó có bước hòa tan và làm giàu mẫu. Giai đoạn này cần dùng lượng lớn axit, phổ biến nhất là axit sunfuric. Tùy quy trình tinh chế có thể có thêm các dung môi khác như dung dịch muối sắt, amoni... Do đó, bùn thải tuyển quặng đồng là một hỗn hợp rắn lỏng phức tạp có chứa nhiều hợp chất độc khác nhau với độ pH rất thấp.

Khi thoát ra môi trường, bùn thải sẽ lan truyền theo đường không khí và đất, nước. Người hít phải các hơi kim loại và axit có mùi hôi khó chịu rất độc hại. Đất canh tác nông nghiệp trong vùng sẽ bao phủ bởi các chất độc này và có thể thấm sâu vào hệ nước ngầm cũng như hòa lẫn ô nhiễm vào nước mặt, nước sinh hoạt của người dân trong vùng. Các sản phẩm nông nghiệp, gia súc, gia cầm cũng sẽ có thể bị nhiễm chất bẩn từ các nguồn đất, nước, không khí ô nhiễm này. pH thấp từ dung dịch bùn thải cũng có thể làm chết cây cối cũng như các sinh vật trong vùng theo thời gian.

Việc bùn thải đưa ra ngoài chắc chắn ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người. Nguyên nhân do trong nước thải có chứa axit, các ion kim loại nặng có thể dễ dàng bị rửa trôi, hòa tan vào nguồn nước, đặc biệt là nước sinh hoạt của người dân. Sự lan truyền các ion kim loại khi trời mưa rất khó kiểm soát, cũng không thể xử lý thông thường nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt, nhất là nước ăn uống.

Theo phản ánh của người dân xã Tả Phời, nhiều năm qua họ rất lo sợ khi sống gần hồ thải. Năm 2020, nước từ hồ sự cố (cạnh hồ thải) của nhà máy tuyển quặng đồng từng chảy xuống khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Việc vỡ những hồ chứa chất thải của những nhà máy tuyển quặng là vấn đề rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể từ những vấn đề xảy ra trong quá trình vận hành, chất thải chứa vượt quá công suất của hồ chứa cũng như tai nạn, thiên tai mà con người không thể lường trước được, nhất là ở những vùng có địa hình đồi núi phức tạp với lượng mưa lớn và nguy cơ sạt lở cao.

Do đó, trước khi bắt đầu vận hành những nhà máy tuyển quặng, cần đánh giá tác động môi trường kỹ càng. Trong đó cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần xây dựng những hồ sự cố dự phòng, có đánh giá hệ số an toàn và rủi ro trong mô phỏng nhiều kịch bản có thể xảy ra khác nhau.

Theo khoản 8 Điều 6 Chương I Luật Bảo vệ môi trường (Luật số: 72/2020/QH14, ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm: Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường; Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan…

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7095595467166815