Theo báo cáo của UBND TP. Lào Cai ngày 15/9/2023, về công tác thống kê thiệt hại và hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố vỡ cống xả tràn hồ thải quặng đuôi nhà máy đồng Tả Phời của Công ty Cổ phần đồng Tả Phời – Vinacomin.
Ngày 10/8/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập tổ công tác rà soát, thống kê do sự cố vỡ cống xả tràn hồ thải quặng đuôi của Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời - Vinacomin (gọi là Tổ công tác 670).
Sự cố vỡ cống xả thải nhà máy tuyển đồng Tả Phời (Lào Cai)
Ngay sau khi được thành lập, UBND thành phố chỉ đạo Tổ công tác 670 tổ chức họp phân công nhiệm vụ các thành viên và tiến độ thực hiện việc thống kê, xác định thiệt hại của từng hộ gia đình để xây dựng phương án hỗ trợ theo đúng quy định; thực hiện kiểm đếm đảm bảo công khai, đúng, đủ, kịp thời, dứt điểm; đảm bảo việc hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, tránh việc lợi dụng tình hình để trục lợi.
Qua quá trình tổng hợp bảng tự kê khai của các hộ dân, có tổng số 129 hộ dân có bản tự kê khai; Tổ công tác 670 tiến hành xác minh, tổng hợp, đối chiếu kết quả có 3 hộ không bị ảnh hưởng, 9 hộ không đến đối chiếu xác minh (Đối với 9 hộ, mặc dù đã qua thời gian đối chiếu, xác minh xong vì lý do các hộ đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương cho nên Tổ công tác tiếp tục xác minh, và áp giá và công khai), 117 hộ kê khai thiệt hại đã được đối chiếu xác minh.
Cụ thể số hộ bị thiệt hại về lúa có 45 hộ; số hộ thiệt hại về tài sản, vật nuôi 39 hộ; số hộ vừa thiệt hại về lúa, tài sản 22 hộ; số hộ đồng ý di chuyển đến tái định cư và thiệt hại về tài sản 11 hộ.
UBND thành phố Lào Cai giao Tổ công tác 670 thực hiện niêm yết, công khai bảng áp giá hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại tài sản cho các hộ làm các nhóm: Nhóm thiệt hại về tài sản, vật dụng, phương tiện… bị trôi, hư hỏng của 53 hộ, với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Sau đó được điều chỉnh, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Đối với nhóm thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc trên ruộng lúa có 6 hộ, với số tiền là hơn 55,6 triệu đồng. Nhóm thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa mầu, vật nuôi có 28 hộ, với số tiền hơn 600 triệu đồng.
Đối với công tác hỗ trợ, chi trả đền bù thiệt hại, ước tính thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản vật nuôi bị trôi, máy móc bị hư hỏng gần 5,2 tỷ đồng; lúa bị ảnh hưởng 271 triệu đồng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty cổ phần Đồng Tả Phời đã hỗ trợ khẩn cấp mức 5 triệu/hộ cho 19 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, vật kiến trúc; 2 triệu/ hộ cho 41 hộ ảnh hưởng cây cối hoa màu với tổng số tiền hỗ trợ khẩn cấp là 177 triệu.
Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng
Sau sự cố này, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) đã lập đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường khảo sát, lấy mẫu bùn thải để phân tích, đánh giá nguy cơ tác động đến môi trường.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá: Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng vì bùn đuôi quặng phải được quản lý nghiêm ngặt, không được để tràn ra môi trường. Do đó, cần phải triển khai các biện pháp ứng phó môi trường khẩn cấp như khoanh vùng, quan trắc chất lượng đất, nước để xử lý.
Bùn và nước thải nhà máy tuyển quặng đồng tràn ra môi trường là rất nguy hại. Bởi nước bùn thải quặng của nhà máy tuyển đồng đã qua quá trình hóa lý, nó chứa khá nhiều các loại hợp chất kim loại, phụ gia hóa học, nếu tràn ra môi trường không kiểm soát, nó sẽ gây nhiễm độc cho đất và nguồn nước, gây hệ lụy ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo chuyên gia này, việc thu gom xử lý môi trường đối với sự cố tương tự rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Những tác động của chất độc đến môi trường và con người còn kéo dài, do vậy cơ quan chức năng phải liên tục giám sát, nỗ lực các biện pháp thì mới mong giảm nhẹ hậu quả của sự cố.
Còn TS. Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho rằng: Nước thải của quá trình luyện kim nói chung và luyện đồng nói riêng là vô cùng độc hại với da, đường hô hấp, đường ruột và là các tác nhân gây ung thư do có chứa kim loại nặng như asen, lưu huỳnh, thủy ngân...
Chuyên gia này phân tích: khi thoát môi trường, những chất này sẽ nhanh chóng ngấm vào đất, nguy cơ nhiễm vào nước ngầm, một phần hơi độc phát tán vào không khí. Vô hình trung, toàn bộ khu vực đất bị ô nhiễm biến thành "bể chứa chất thải mở rộng không có lớp nền chống thấm". Do chưa có cách nào thu hồi và xử lý triệt để, nên người dân ở khu vực ảnh hưởng của sự cố cần tránh tiếp xúc nguồn nước thải, tốt nhất nên sử dụng nguồn nước đóng chai cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng. Người dân không nên sử dụng các loại rau, cỏ trong khu vực có nước thải chảy qua.
Về giải pháp khắc phục, theo ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (gọi tắt là “Trung tâm SOS Môi trường”), việc múc bỏ hàng triệu mét khối đất ô nhiễm đem đi xử lý khó khả thi. Chất thải tác động lâu dài đến môi trường đất và nước, do vậy, chính quyền địa phương cần phải quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm để có phương pháp xử lý phù hợp, đồng thời phối hợp với các bên liên quan đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cơ bản cho cộng đồng người dân bị ảnh hưởng, sau đó kiểm đếm, thống kê thiệt hại cụ thể để hỗ trợ, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Khẳng định khu vực xảy ra sự cố đã được khắc phục, nước bùn đuôi quặng không còn chảy nhiều ra môi trường, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đồng Tả Phời cho biết đã phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán người dân ở khu vực phía dưới đập hồ thải đến vị trí an toàn và bố trí nơi ăn, ở đảm bảo ổn định; phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê thiệt hại về nhà ở, hoa màu, tài sản, vật nuôi và lên các phương án đền bù, khắc phục thiệt hại. Mục tiêu đặt ra là không để người dân thiệt thòi do sự cố.
Qua sự việc cũng ra đặt câu hỏi vì sao một hồ chứa nước thải quặng đuôi được ngăn lại bởi đập đất lại nằm ở vị trí cao ngay trên đầu nguồn và gần khu dân cư? Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết, nhà máy tuyển đồng Tả Phời xây dựng 2 hồ chứa nước thải quặng đuôi, sử dụng nước tuần hoàn, dung tích theo thiết kế của hồ chứa chính là 5 triệu m3, hiện đã sử dụng gần 60%. Hồ được xây dựng trên cao, cách khu vực dân cư khoảng chừng 60 m.
Ngoài ra, cũng cần xem lại đánh giá tác động môi trường cụ thể tại dự án nhà máy ra sao (đúng, đủ, còn hiệu lực...), và các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện tốt việc cảnh báo, phòng ngừa, cũng như các kế hoạch ứng phó với các sự cố môi trường như thế này hay chưa.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7095021933890835/