Diệu Huyền ·
3 năm trước
 3369

Liệu chúng ta có đang ảo tưởng về đồ dùng một lần thân thiện với môi trường?

Thay vì tìm kiếm câu trả lời về mặt sinh thái trong các sản phẩm dùng một lần, việc sử dụng các đồ vật có thể tái sử dụng là giải pháp tốt hơn để hạn chế việc sản sinh ra chất thải.

Greenwashing là gì?

Greenwashing là hoạt động của các công ty nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng một sản phẩm là thân thiện với môi trường trong khi thực tế không phải như vậy. Nó khác với “Tiếp thị xanh”, khi các công ty làm nổi bật các khía cạnh sinh thái của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Cần thận trọng với nhãn hiệu “nhựa oxo”

Những chiếc túi bằng chất dẻo oxo hiện đang được bán tại nhiều siêu thị ở Việt Nam do nhà sản xuất khẳng định sai về khả năng phân hủy sinh học của chúng. Các chất dẻo oxo về cơ bản tương tự như vật liệu truyền thống, nhưng trong thành phần có các chất phụ gia đã được thêm vào để đẩy nhanh quá trình phân rã. Do các chất phụ gia này, túi sẽ phân hủy thành vi nhựa nhanh hơn so với túi chất dẻo thông thường.

Sự phân rã nhanh chóng của loại chất dẻo này tạo điều kiện cho chúng phát tán qua nước và gió. Khi trôi nổi trong các đại dương, những hạt vi nhựa này góp phần gây ra các vấn đề về chất thải biển và được các động vật biển hấp thụ rồi cuối cùng chúng ta lại tiêu dùng những động vật đó. Tại Việt Nam, loại túi này được chứng nhận là “túi thân thiện môi trường” trong khi hiện nay chúng đã bị cấm tại nhiều nước.

Việc sử dụng các đồ vật có thể tái sử dụng là giải pháp tốt hơn để hạn chế việc sản sinh ra chất thải.

Việc sử dụng các đồ vật có thể tái sử dụng là giải pháp tốt hơn để hạn chế việc sản sinh ra chất thải. (Ảnh: Nguồn internet)

Cần thận trọng với nhãn hiệu “có thể tái chế thành compost”

Có những loại túi bằng chất dẻo có thể gắn nhãn “có thể tái chế thành com-post”, những điều quan trọng cần phân biệt đó sẽ là phân hữu cơ ủ tại nhà hay phân hữu cơ công nghiệp. Nếu đó là loại túi chỉ có thể tái chế thành phân compost công nghiệp thì sẽ cần đến cơ sở hạ tầng và những điều kiện rất cụ thể để đảm bảo quản lý tốt những loại túi này khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Nếu không được chuyển đến các nhà máy làm phân compost (nếu có), những chiếc túi này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường giống như túi bằng chất dẻo truyền thống. 

Cần thận trọng với những thông điệp quảng cáo về các sản phẩm có bao bì bằng nhựa

Nhiều chiến dịch quảng cáo sử dụng các thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”, “zero waste” hoặc “phát triển bền vững” mà không hề tìm cách quản lý chất thải một cách bền vững.

Ý tưởng đằng sau những thông điệp này là bản thân chất thải không phải là một vấn đề, mà là cách chúng được xử lý. Tuyên bố này là sai lầm bởi đơn giản hiện nay không hề có “cách tốt nhất” để đối phó với chất thải. Giữa các phương pháp đốt rác, chôn lấp và tái chế, không có giải pháp nào là hoàn hảo.

Mục đích của tuyên bố sai lầm này là để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm có bao bì không bền vững. Thông qua sự kết hợp lẫn lộn giữa tái chế và nền kinh tế tuần hoàn, các công ty đang cung cấp các chiến dịch phân loại hoặc thu gom chất thải để người tiêu dùng tiếp tục mua với cảm giác bảo vệ hành tinh. Do đó, trách nhiệm được trả lại cho người dân và hệ thống thu gom chất thải khi giải pháp phải là cung cấp cho người tiêu dùng bao bì thân thiện với môi trường hơn.

Thay vì tìm kiếm câu trả lời về mặt sinh thái trong các sản phẩm dùng một lần, việc sử dụng các đồ vật có thể tái sử dụng là giải pháp tốt hơn để hạn chế việc sản sinh ra chất thải. Do đó, chúng ta cần cảnh giác với những giải pháp không thực sự tốt, thường chỉ dành ưu tiên cho một chủ thể trong số nhiều chủ thể trong chuỗi trách nhiệm chung.

Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị. 

Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.

Nguồn