Lâm Hải ·
3 năm trước
 2444

Lỗ chồng lỗ, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỉ đồng

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Doanh thu giảm sâu, trong khi chi phí tăng cao khiến hãng hàng không này kiệt quệ, chìm trong biển nợ.

Đà thua lỗ của Vietnam Airlines (VNA) đang tiếp tục được ghi nhận sau một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, trong quý 2/2021, doanh thu của Vietnam Airlines chỉ đạt mức 6.537 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính riêng mảng vận tải hàng không, doanh thu của hãng này giảm đến 10%.

Vietnam Airlines

Vietnam Airlines báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp, nâng lỗ lũy kế lên gần 17.800 tỉ đồng. (Ảnh: VNA)

Theo báo cáo tài chính được công bố, lỗ gộp của VNA xấp xỉ 3.500 tỉ đồng, tăng 632 tỉ so với số lỗ gộp 2.865 tỉ của quý 2/2020. Lỗ sau thuế trong quý 2 là 4.528 tỉ đồng, tăng 50%. 

Tính chung lũy kế 6 tháng năm 2021, VNA đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỉ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu giảm 44% và con số lỗ tăng 64% so với 6 tháng năm 2020.

Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, đến ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines vay nợ tài chính 34.462 tỉ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn 14.180 tỉ đồng (chiếm hơn 40%) và vay dài hạn 20.282 tỉ đồng.

Đến tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận với 3 ngân hàng để vay gói tái cấp vốn quy mô 4.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6/2021, VNA đã chính thức âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỉ đồng, lỗ lũy kế 17.771 tỉ đồng.

Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỉ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020. 

Trước đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử.

Trên thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh, tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới. Đồng thời, mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được ban lãnh đạo xác định trên cơ sở điều hành tải cung ứng và mở bán linh hoạt.

Vietnam Airlines

Đẩy mạnh vận tải hàng hóa là một trong các giải pháp bù đắp doanh thu cho Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA)

Đáng chú ý, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu. Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của Hãng (giai đoạn trước dịch Covid-19 doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).

Nguồn