Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đã gây xôn xao khi cho ý kiến về mức độ chênh lệch giá bộ kit test nhanh Covid-19 giữa đơn vị cung cấp và các nhà phân phối.
Ông Đặng Hồng Anh cho biết, nếu Chính phủ cử bộ phận liên hệ trực tiếp với các đơn vị ở nước ngoài, với số lượng mua lên đến 100 triệu test, giá bán sẽ còn khoảng 1 USD, dưới 25.000 đồng/test. Trong khi đó, các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Nếu giảm được 50.000 đồng/test, 100 triệu test giảm được 5.000 tỉ đồng, tránh lãng phí.
Một bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập khẩu về Việt Nam
"Loạn" giá kit test nhanh Covid-19
Vậy nhưng khi tìm hiểu về mức giá của các bộ kit test nhanh Covid-19 trong nước, thì trong nước đang có quá nhiều mức giá cho bộ kit test nhanh Covid-19. Và khi đến tay người dùng, thì những bộ kit test này lại có thể có nhiều mức giá khác nhau khoảng từ 80.000 - 200.000 đồng/bộ.
Theo Tuổi Trẻ, so với giá kê khai trên cổng công khai giá của Bộ Y tế, giá bán kit test sẽ tùy thuộc vào số lượng mua và sẽ được giảm nhiều nếu mua sỉ. Đặc biệt, giá bán lẻ rẻ hơn nhiều so với giá kê khai. Cụ thể loại test kê khai giá 160.000 - 198.000 đồng/test nhưng giá bán lẻ chỉ 150.000 đồng, bán sỉ 130.000 đồng, mua nhiều lại một mức giá khác nữa.
Trong khi đó, một chủ hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam cho biết có thể cung cấp test nhanh xét nghiệm loại sản xuất ở Hàn Quốc với giá 60.000 đồng/test (loại không thuế), nếu nhập khẩu chính ngạch, giá sẽ cao hơn chút đỉnh.
So với giá kê khai trên cổng công khai giá của Bộ Y tế, giá bán kit test sẽ tùy thuộc vào số lượng mua và sẽ được giảm nhiều nếu mua sỉ
Một doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc có mức giá công bố cập nhật 128.000 đồng/test (giá đã công bố trước đó là 198.000 đồng/test) cho hay giá bán thực tế thấp hơn nhiều so với giá công bố, song doanh nghiệp này không bán trực tiếp cho khách mà bán qua đại lý.
Với loại lấy dịch tỵ hầu mà các lực lượng y tế đang sử dụng, giá 91.000 đồng/test nếu lấy dưới 5.000 test, lấy 10.000 test còn 89.000 đồng/test. Còn với loại Home test tự dùng, đại lý này bán với giá từ 105.000 - 110.000 đồng/test, tùy theo số lượng và các mức giá trên đã bao gồm VAT, phí vận chuyển.
Như vậy, mức giá sẽ giảm dần tùy theo số lượng, càng nhập nhiều thì giá càng thấp và thậm chí người ta chưa thể biết đâu là mức giá "sàn" chính thức biểu thị đúng giá trị hàng hóa.
Không chỉ giảm giá theo số lượng, mà hiện nay trên thị trường còn xuất hiện tình trạng nhiều mức giá cho cùng một mẫu kit test nhanh Covid-19.
Trên thị trường còn xuất hiện tình trạng nhiều mức giá cho cùng một mẫu kit test nhanh Covid-19
Theo vietnamnet, cùng giấy phép nhập khẩu số 5787/BYT -TB-CT 20/7/2021 của Bộ Y tế và chủng loại kít test là “Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test” (Trung Quốc), giá bán công bố ngày 28/7 của Công ty Cổ phần Á Châu (Hà Nội) là 109.200 đồng/test thì tại Công ty Cổ phần My Solutions (Hà Nam) lại ở mức 185.000 đồng/test và công ty này điều chỉnh còn 109.200 đồng/test (ngày 23/8).
Sau đó, công ty Cổ phần Á Châu (Hà Nội) tiếp tục được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu số 5895/BYT-TB-CT ngày 22/7/2021, lúc này giá bán cho lô kít test nhanh với chủng loại và xuất xứ như trên chỉ còn 79.800 đồng/test (công bố ngày 23/8).
Như vậy, cùng một bộ test nhanh, cùng quốc gia sản xuất là Trung Quốc lại có 3 mức giá tham chiếu công bố trên thị trường khác nhau trong chưa đầy một tháng.
Vậy với tình trạng "loạn" giá như hiện nay, sẽ nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khi tìm mua kit test nhanh Covid-19 mà không biết giá nào hợp lý.
Vì sao không đấu thầu tập trung?
Bộ Y tế cho biết có cập nhật giá trên trang dmec.moh.gov.vn. Tuy nhiên giá này do doanh nghiệp công bố và tự chịu trách nhiệm, kit test và các trang thiết bị y tế không thuộc danh mục quản lý giá (trong khi thuốc thuộc nhóm này và có quy định rất rõ về đàm phán giá, đấu thầu tập trung giúp giảm giá).
Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao không đấu thầu tập trung? Trong khi đó nhu cầu sử dụng kit test xét nghiệm tăng rất cao và tỉ lệ rất lớn trong số này là sử dụng ngân sách nhà nước để mua?
Mỗi đơn vị tự sử dụng ngân sách nhà nước để mua sẽ dẫn đến tình trạng mỗi đơn vị phải chi trả một đơn giá khác nhau, với số lượng không đồng đều nơi mua nhiều nơi mua ít. Việc này dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước. Nếu đấu thầu tập trung để lựa chọn nhà thầu sẽ tối ưu được chi phí, thống nhất mức giá phân phối đến những đơn vị cần và người dùng cũng yên tâm hơn.
Có thể thấy rất rõ việc đàm phán giá cả, đấu thầu tập trung, có hình thức cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu thì câu chuyện "loạn" mức giá kit test nhanh sẽ không còn là vấn đề bức xúc như hiện nay, thế nhưng tại sao Bộ Y tế đã không sử dụng phương án này?