Thành Long ·
36 tuần trước
 7944

Loạt đường nào kết nối khu đô thị mới Tây Hồ Tây?

Khu đô thị Tây Hồ Tây có nhiều tuyến đường đang và sẽ mở theo quy hoạch qua dự án khu đô thị Tây Hồ Tây kết nối với khu dân cư lân cận, đường vành đai.

Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (có tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây) do Công ty TNHH Phát triển THT làm chủ đầu tư (100% vốn Hàn Quốc). Dự án này được quy hoạch trên diện tích khu đất gần 190ha thuộc địa giới hành chính các phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), phường Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm).

Starlake Tây Hồ Tây nằm trong trung tâm hành chính mới của Thủ đô, là nơi được lựa chọn để đặt trụ sở các bộ ban ngành, khu Ngoại giao đoàn và các công trình văn hóa quốc gia.

Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối dự án Starlake gồm đường 10 làn xe nối từ Võ Chí Công (vành đai 2 ra cầu Nhật Tân) và Phạm Văn Đồng (vành đai 3 ra cầu Thăng Long) do chủ đầu tư khu đô thị Starlake thi công đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 10/2020.

Vị trí Starlake Hồ Tây.

Đáng chú ý nhất là vành đai 2,5 (đoạn đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, rộng 40m). Tuyến đường này hiện đã xây dựng qua khu đô thị Tây Hồ Tây đến đoạn chung cư 789. Tuyến vành đai này kết thúc ở đoạn Phú Thượng, Tây Hồ sau khi đi qua khu đô thị Ciputra. Tuyến đường đoạn chung cư 789 qua đường Xuân Đỉnh đến Nguyễn Hoàng Tôn đang xây dựng từng đoạn ngắn.

Con đường rộng 8-10 làn xe này cũng là trục chính hướng Cầu Giấy vào khu đô thị Tây Hồ Tây. Mặt cắt ngang rộng lại có cầu vượt tránh xung đột giao thông với đường Hoàng Quốc Việt khiến trục đường gần như không bao giờ xảy ra ùn tắc.

Ngoài vành đai 2,5, phía đông của khu vực này là tuyến vành đai 2 với trục đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân. Ngoài ra, đường Hoàng Minh Thảo vốn là một phần của tuyến Tây Thăng Long (kéo dài tới Sơn Tây) cũng được hoàn thiện.

Ngoài ý nghĩa là trục chính đô thị, hiện đường Hoàng Minh Thảo còn đóng vai trò kết nối 3 tuyến vành đai có lưu lượng đông bậc nhất Hà Nội là vành đai 2, vành đai 2,5 và vành đai 3. Đường Hoàng Minh Thảo có 10 làn xe chạy, trong đó có 6 làn xe cơ giới và 4 làn dành cho xe máy và xe thô sơ.

Cuối tuyến giao với đường vành đai 3 (Phạm Văn Đồng) chưa được hoàn thiện. Trong khi đó giai đoạn 2 của trục Tây Thăng Long đã được thi công một số hạng mục và chờ đấu nối với đường Hoàng Minh Thảo. Khu vực này đang được đề xuất xây dựng một hầm chui vượt qua đường Phạm Văn Đồng.

Theo quy hoạch, trục Tây Thăng Long rộng 60,5m cũng là tuyến đường quan trọng qua khu đô thị Tây Hồ Tây.

Tuyến đường này kết nối từ Hồ Tây đến vành đai 4 và đang được xây dựng.  Trong đó, đoạn qua Cổ Nhuế chưa giải phóng mặt bằng. Theo quy hoạch, trục Tây Thăng Long đi qua nhiều khu đô thị của Hà Nội như The Phoenix Garden, Vinhomes Đan Phượng.

Từ khu đô thị Tây Hồ Tây cũng có đường kết nối với khu đô thị Thành phố Giao lưu. Tuyến đường này rộng 40m, còn một đoạn ngắn kết nối với đường Phạm Văn Đồng từ ngõ 354 phố Trần Cung.

Ngoài ra, trục Tây Thăng Long này sẽ nối vào đường số 23, khu đô thị Thành phố Giao lưu và tuyến số 23 cũng sẽ kéo dài thêm đến đường Phan Bá Vành.

Bên cạnh đó, khu đô thị Tây Hồ Tây cũng có một số tuyến đường kết nối khác như đường từ đoạn chung cư 901 đến Trần Cung. Tuyến này rộng 40m và theo quy hoạch sẽ mở rộng đường Trần Cung hướng về Hoàng Quốc Việt.

Hoặc tuyến đường từ chung cư 901 qua Trần Cung nối vào Tôn Quang Phiệt. Đoạn từ Trần Cung đến Tôn Quang Phiệt rộng 25m.

Từ khu đô thị Tây Hồ Tây, một tuyến đường rộng 25m được quy hoạch qua khu vực nghĩa trang Cổ Nhuế, trường tiểu học, đường Trần Cung và nối vào khu đô thị Cổ Nhuế.

Sự xuất hiện của những giao lộ này được coi như một trong những bước ngoặt quan trọng giúp giải quyết trọn vẹn “bài toán giao thông” hóc búa bấy lâu nơi cửa ngõ Tây Thủ đô.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6751044794955219/