Theo đó, Xây dựng Hòa Bình cho biết, kiểm toán điều chỉnh chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng khoản trả trước người bán và dự phòng phải thu cho vay trong chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu từ Công ty mẹ HBC), đã khiến lợi nhuận điều chỉnh giảm 1.306,34 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ việc trích lập thêm chi phí dự phòng đầu tư dài hạn, từ đó khiến cho lợi nhuận giảm 198 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ngoài ra, kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu tài chính từ khoản trích lãi chậm thanh toán của khách hàng cũng khiến lợi nhuận điều chỉnh giảm 134,5 tỷ đồng.
Đồng thời, kiểm toán điều chỉnh giảm lãi đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, nguyên nhân là do lợi nhuận của CTCP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình điều chỉnh giảm so với trước kiểm toán, từ đó làm lợi nhuận giảm 2 tỷ đồng.
Và cuối cùng, kiểm toán điều chỉnh tăng lợi nhuận gộp, đến từ việc điều chỉnh giảm giá vốn tại Công ty mẹ HBC và điều chỉnh giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đã làm lợi nhuận tăng 211,05 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2022 trước đó, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ 2.566,81 tỷ đồng (so với trước kiểm toán lỗ 1.138,17 tỷ đồng tăng lỗ thêm 1.428,64 tỷ đồng).
Trong đó, chủ yếu biến động do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 1.306,35 tỷ đồng (lên 2.246,24 tỷ đồng) và lợi nhuận gộp tăng 212,42 tỷ đồng (lên 470,35 tỷ đồng), doanh thu tài chính giảm 134,54 tỷ đồng (về 24 tỷ đồng)…
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2022, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế 2.100,7 tỷ đồng (bằng 76,6% vốn điều lệ).
Ngoài việc tăng lỗ, Báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận những vấn đề cần nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán. Theo đó, đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc khoản lỗ thuần 2.570,5 tỷ đồng đã khiến Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 gần 2.100,7 tỷ đồng. Cùng với đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm hơn 883,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Xây dựng Hòa Bình tại thời điểm lập báo cá có các khoản nợ đã quá hạn, trong đó một số khoản vay đã được ngân hàng đồng ý gia hạn và Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình thương thảo xin gia hạn số còn lại.
Kiểm toán nhấn mạnh những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình.
Về kết quả kinh doanh kém sáng, Hòa Bình cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2022 khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong thanh khoản, nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh.
Đồng thời, tình hình kinh tế chung năm 2022 có nhiều biến động làm khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đã khiến giá thành, chi phí vận chuyển tăng cao. Cùng với đó, chính sách thắt chặt bất động sản làm cho nhiều dự án lớn phải dừng thi công cũng làm đẩy chi phí thuê máy móc thiết bị tăng, làm lợi nhuận gộp giảm.
Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6596172590442441/?