Mỹ Hạnh ·
3 năm trước
 2152

Long An tăng cường quản lý chất thải rắn công nghiệp

Hiện chất thải rắn công nghiệp có lượng phát sinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.900 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại gần 390 tấn/ngày,...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các khu, cụm khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, các ngành chức năng phải kiểm soát chặt chẽ những nguồn gây ô nhiễm khí thải, nước thải, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp từ những cơ sở doanh nghiệp đang hoạt động để công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đạt được hiểu quả cao nhất.

Hiện toàn tỉnh có 16 khu và 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; Có hơn 13.100 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút nguồn lao động đến làm việc. Các cơ sở này trong quá trình hoạt động đã trang bị những công nghệ hiện đại nhưng đều có sự tác động đến môi trường, ở những khía cạnh và mức độ khác nhau làm ảnh hưởng các khu vực xung quanh.

Long An

Hồ chứa và hệ thống xử lý nước thải tại KCN Xuyên Á (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, trên địa bàn tình Long An hiện vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đây là một trong những nguồn ô nhiễm khó kiểm soát, dễ phát tán, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân và môi trường tự nhiên.

Hiện chất thải rắn công nghiệp có lượng phát sinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.900 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại gần 390 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh khoảng 570 - 590 tấn/ngày, chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 4,8 tấn/ngày… Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn phát sinh trong các lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế… của Long An sẽ tiếp tục tăng.

Đến năm 2025, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 2.400 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại khoảng 484 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.100 tấn/ngày, chất thải rắn y tế khoảng 6,7 tấn/ngày...

Trong khi đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn Long An gặp không ít khó khăn như: chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chưa được phân loại tại nguồn, việc thu gom chưa triệt để, năng lực xử lý của các nhà máy trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu…

Long An

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Cang (giữa) khảo sát hệ thống xửlý nước thải của Khu công nghiệp Đức Hòa III - Ảnh: Anh Hồng

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An Nguyễn Tân Thuấn cho biết: "Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động công nghiệp. Qua đó, phát hiện những vi phạm và tiến hành tham mưu, xử lý đúng quy định".

Từ quan điểm nhất quán phát triển bền vững phải đi đôi với BVMT và sự kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh theo quy định nên nhìn chung, công tác BVMT tại các nhà máy, xí nghiệp những năm gần đây được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt hơn.

Ông Thuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục duy trì và tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Trong đó, đặc biệt quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, phân loại rác, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, nhất là chất thải rắn nguy hại; ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đổ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đôn đốc xây dựng nhà máy xử lý rác thải, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong công tác BVMT.

Được biết, trong những năm qua, tỉnh Long An đã quan tâm nhiều hơn tới công tác BVMT nói chung và quản lý rác thải nói riêng. Tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 16/8/2018 về tăng cường quản lý chất thải rắn trên; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/5/2019 của UBND tỉnh về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến năm 2025.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường