Thời gian qua, lũ lụt thảm khốc tấn công Tây Âu, tàn phá Đức, Bỉ và Hà Lan đã khiến hơn 200 người chết, hàng trăm người hiện vẫn đang mất tích và con số tử vong tăng lên mỗi ngày. Mới đây, lũ lụt tại Trịnh Châu Trung Quốc cũng được đánh giá là trận lũ chưa từng có trong lịch sử, mưa lũ nhấn chìm nhà cửa, xe cộ, ngập đường hầm khiến nhiều người chết đuối trong chốc lát.
Bão lũ hoành hành ở nhiều khu vực phía tây châu Âu khiến nhiều con sông vỡ bờ, gây lũ quét trong đêm. Ảnh: AP
Trong khi trước đó không lâu, vào tháng 6 vừa qua, thời tiết khắc nghiệt tại Canada và nước Mỹ khiến rất nhiều người sốc nhiệt chính là dấu hiệu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn.
Mới đây, một nghiên cứu dựa trên mô hình máy tính cho thấy, ở châu Âu, các cơn bão di chuyển chậm có thể trở nên phổ biến hơn 14 lần so với hiện nay vào năm 2100, trong kịch bản xấu nhất. Cơn bão di chuyển càng chậm thì lượng mưa đổ xuống càng nhiều trên một khu vực nhỏ và nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng càng lớn.
Từ trước, các nhà khoa học đã biết rằng khi nhiệt độ trong khí quyển tăng lên, điểm bão hòa độ ẩm cũng cao hơn. Cụ thể, nhiệt độ khi tăng thêm 1 độ C sẽ làm tăng khả năng giữ ẩm của không khí lên 7%, đồng nghĩa với thời gian mưa xuống sẽ lâu hơn và khi đến thời điểm, mưa lớn hơn nhiều vì khối lượng nước lớn.
Cường độ và quy mô của những trận lũ lụt gần đây ở Tây Âu đã khiến các nhà khoa học khí hậu ngạc nhiên. Không ai có thể ngờ rằng các trận bão lũ kỷ lục lại xảy ra trên diện rộng và xảy ra sớm như vậy.
Hy vọng mong manh về hàng chục người mất tích sau những trận lụt ở Đức. Ảnh: AP
Trong 20 năm qua, trên toàn cầu có gần 480.000 ca tử vong có liên quan trực tiếp đến hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 2,56 nghìn tỷ đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương, PPP) - một lần nữa tăng hơn so với năm trước.
“Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã nhắc lại cho ta thấy một thực tế rằng các quốc gia dễ bị thiệt hại phải chịu nhiều rủi ro khác nhau - liên quan đến khí hậu, địa vật lý, kinh tế, sức khỏe và các lỗ hổng đó có tính hệ thống và đều liên kết với nhau”, bà Laura Schaefer của Tổ chức tham vấn môi trường Germanwatch cho biết.
Phải chăng, sự trả giá cho hành động làm tổn hại thiên nhiên và môi trường của con người ngày càng trở nên rõ rệt hơn? Và biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ra những thảm kịch mà chúng ta không lường trước được?