Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3589

Lượng khí thải nhà kính đạt mức báo động

Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy nồng độ ba loại khí nhà kính chính trong khí quyển đều đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021.

Mức độ nhiễu loạn khí quyển của cả ba loại khí nhà kính đều đạt mức cao kỷ lục. UN cho biết các lượng khí thải hiện tại sẽ dẫn đến việc khí hậu bị phá vỡ nghiêm trọng.

Theo The Guardian đưa tin, các nhà khoa học cảnh báo thế giới “đang đi sai hướng” trong bối cảnh gia tăng nitơ oxit, carbon dioxide và metan.

Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. (Ảnh: ADB/ Ariel Javellana)

Cũng theo một nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nồng độ của cả ba loại khí nhà kính trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục. Vào năm 2020 và 2021, WMO đã phát hiện có sự gia tăng nồng độ khí metan lớn kể từ khi phép đo có hệ thống bắt đầu gần 40 năm trước.

Các chuyên gia đặt giả thuyết rằng nguyên nhân có thể là do hoạt động của các vi sinh vật trong các vùng ngập nước, đồng lúa và kí thải của các loài động vật. Nhiệt độ tăng đã tạo điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật sinh sản khí metan vì chúng thích những khu vực ẩm và ấm.

Các khí nhà kính này gây hiện tượng nhiệt toàn cầu, tăng lên 50% trong giai đoạn 1990-2021; trong đó, CO2 chiếm khoảng 80%. Theo WMO, nồng độ CO2 năm 2021 là 415,7 phần triệu, khí metan là 1.908 phần tỉ và oxit nitơ là 334,5 phần tỷ, lần lượt tương ứng với 149%, 262% và 124% mức tiền công nghiệp.

GS. Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết: “Sự gia tăng liên tục nồng độ của các khí nhà kính, bao gồm khí metan, cho thấy chúng ta đang đi sai hướng”.

“Mặc dù đáng lo ngại, sự gia tăng khí metan có thể được hạn chế và CO2 vẫn là mối đe dọa lớn nhất. Chúng ta nên thực hiện những chiến lược hiệu quả về chi phí để giải quyết lượng khí thải metan, đặc biệt là trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, ngay lập tức” – GS. Taalas nói. Ông giải thích thêm: “Tuy nhiên, khí metan có thời gian tồn tại tương đối ngắn, chỉ dưới 10 năm, và do đó, tác động của nó đối với khí hậu là có thể đảo ngược”.

GS. Taalas khuyến cáo: “Ưu tiên cấp thiết nhất là cắt giảm lượng CO2, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, gây ra tình trạng tan băng ở hai cực, sự nóng lên của đại dương và mực nước biển tăng”.

Ông Taalas cho biết thời gian hành động không còn nhiều trước khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục đạt mức đỉnh mới.

“Chúng ta cần chuyển đổi các hệ thống công nghiệp, năng lượng, giao thông và toàn bộ cách sống. Những thay đổi cần thiết có thể được giải quyết về mặt kinh tế và kỹ thuật. Thời gian không còn nhiều” – GS. Taalas nhấn mạnh.

Số liệu này sẽ được trình bày tại hội nghị Cop27 về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 tới tại Ai Cập, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới nhóm họp để đưa ra các thỏa thuận về giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, ngay cả khi những hành động nhanh chóng được thực hiện thì thiệt hại đã là quá rõ ràng. Khi con người còn thải khí thải ra khí quyển, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Với thời gian tồn tại lâu dài của CO2, mức nhiệt độ quan sát được sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi lượng khí thải giảm nhanh chóng về 0.

Cũng theo The Guardian, LHQ cho biết chính phủ các nước cần đặt ra các mục tiêu mới và cắt giảm sâu hơn để hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên 1,5 độ C

Chỉ một số ít quốc gia đã tăng cường cam kết về cơ bản, mặc dù đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ (Cop26) ở Glasgow vào tháng 11 năm ngoái.

Ông SIMON Stiell, thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, cho biết: “Điều này không đi đủ xa, đủ nhanh. Chính phủ các quốc gia phải đặt ra các mục tiêu mới ngay bây giờ và thực hiện chúng trong tám năm tới”.

COP27 là cuộc họp tiếp theo của nhóm 198 quốc gia đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị gần đây nhất, COP26, được tổ chức tại thành phố Glasgow của Scotland vào tháng 11/2021, quy tụ 120 nhà lãnh đạo thế giới và đại diện từ gần 200 quốc gia. COP26 đã khẳng định lại mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.

Theo thông tin, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời kêu gọi công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. COP27 sắp tới cũng là cơ hội để Việt Nam nêu đề xuất, bày tỏ quan điểm để góp phần vào giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Việt Nam xếp thứ 13 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ bị tổn thương rất cao trước thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.