Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1830

Lý do Masan Consumer bị phạt hơn 4,8 tỷ đồng?

Mới đây, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH) vừa bị Cục Thuế TP HCM phạt hơn 701 triệu đồng, truy thu thuế hơn 2,87 tỷ đồng và tiền chậm nộp 1,3 tỷ đồng.

Ngày 2/11 Masan Consumer công bố thông tin, vào ngày 1/11 công ty đã nhận được quyết định xử phạt từ Cục Thuế TP HCM. Các sai phạm dẫn đến bị xử phạt gồm chưa kê khai thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại

Bên cạnh đó là lỗi kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn GTGT hợp pháp; tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế các khoản chi không được trừ theo quy định; tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc không đúng quy định... dẫn đến thiếu tiền thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN.

Được biết, Masan Consumer bị truy thu thuế hơn 2,87 tỷ đồng và bị phạt hơn 701 triệu đồng, tiền chậm nộp 1,3 tỷ đồng. Như vậy, hơn 4,8 tỷ đồng là tổng số tiền Masan Consumer phải nộp.

Nếu công ty không tự nguyện chấp hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Masan Consumer hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng đồng thời cũng là thành viên chủ chốt của Tập đoàn Masan. Doanh thu của MCH trong quý 3/2022 đạt 7.088 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí vốn lại tăng 7,5% dẫn tới lợi nhuận gộp còn 2.859 tỷ đồng,  so với cùng kỳ giảm 8,6%.

Sau khi cộng trừ các khoản doanh thu tài chính và chi phí, Masan Consumer báo lãi trước thuế 1.551 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.419 tỷ đồng, so với kết quả đạt được trong quý 3/2021 giảm 3,8%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu Masan Consumer đạt 18.906 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 4,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.670 tỷ đồng, tăng 5,3%.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm cuối kỳ đạt 20.777 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm tăng nhẹ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh (từ gần 13.000 tỷ đồng xuống còn gần 3.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 169 tỷ đồng lên gần 1.500 tỷ đồng. Riêng phần chứng khoán kinh doanh (trái phiếu) là hơn 1.200 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng vọt (từ hơn 7.000 tỷ đồng lên hơn 16.000 tỷ đồng).

So với đầu năm, nợ phải trả của MCH giảm 3.000 tỷ đồng (còn 10.196 tỷ đồng). Các khoản chi phí phải trả và vay ngắn hạn là giảm mạnh nhất. Nợ vay ngắn hạn so với đầu năm giảm hơn 2.000 tỷ (còn hơn 5.200 tỷ đồng). Nợ vay dài hạn cũng giảm gần 200 tỷ đồng (xuống còn 873 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu của MCH đạt 20.580 tỷ đồng, trong đó có hơn 10.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

 

Trước đó, về kế hoạch kinh doanh trình cổ đông, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 32.500 – 38.000 tỷ đồng cho năm 2022, so với năm ngoái tương đương tăng trưởng 17% - 36,8% (doanh thu thuần năm 2021 của công ty là 27.773,6 tỷ đồng). Công ty cũng có kế hoạch đạt lợi nhuận sau thuế 5.900 – 6.800 tỷ đồng, tức so với năm ngoái tăng trưởng 6,7% - 23%.

Được biết, hiện trên thị trường chứng khoán, MCH đang giao dịch ở mức giá 70.400 đồng/cp.

Theo đó, Masan Consumer là công ty thành viên, một trong những trụ cột doanh thu của Tập đoàn Masan. Năm 2000 Công ty bắt đầu hoạt động và từ đó đã phát triển thành công với danh mục sản phẩm và hệ thống phân phối thiết lập vị thế của mình trên thị trường ngành hàng thực phẩm và đồ uống có thương hiệu tại Việt Nam. Doanh nghiệp này sản xuất và phân phối một loạt các sản phẩm thực phẩm và nước giải khát: nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc ăn liền, và các đồ uống đóng chai. Công ty Hàng tiêu dùng Masan đã tạo nên các thương hiệu nổi tiếng như: Chin-su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư...