Công ty công nghệ năng lượng của Kenya, Biogas International đang hợp tác với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca và Viện Lãnh đạo phát triển bền vững, Đại học Cambridge để thực hiện dự án biến cây bèo tây thành nhiên liệu sinh học sử dụng cho nấu ăn.
Máy do Biogas International thiết kế để phân hủy và tạo ra khí đốt từ bèo tây - loài thực vật đang phủ kín như trải thảm trên phần lớn của hồ Victoria, một hồ nước ngọt giữa Kenya, Uganda và Tanzania.
Ông Dominic Kahumbu cùng một công nhân đi thu hoạch bèo tây trên hồ Vitoria để chuyển đổi thành khí sinh học. (Ảnh: Reuters).
Với thiết bị này, cứ 2 - 3 kg lục bình được vớt từ hồ có thể cung cấp năng lượng cho một bếp nấu trong khoảng bốn giờ, đủ để tạo ra một bữa ăn.
Loài thực vật giống cỏ dại này gây hại cho đời sống thủy sinh, trong đó có các loài cá, khiến vi khuẩn và muỗi sinh sôi nảy nở, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng địa phương.
Anh Tony Otieno đang bật bếp đun bằng khí sinh học tại nhà bà nội ở gần thành phố Kisumu, Kenya. (Ảnh: Reuters).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay, dự án đã cung cấp 50 lò khí sinh học cho các ngôi nhà ở thành phố Kisumu, miền tây Kenya, cho phép các gia đình chuyển đổi từ củi hoặc than mà theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đều độc hại và tốn nhiều thời gian nấu nướng sang nấu bằng khí sinh học từ cây bèo tây. Anh Tony Otieno, người đang sử dụng khí sinh học từ hầm ủ chia sẻ: "Khí không có khói, không có mùi, nấu nhanh hơn nhiều so với bếp than".
Một số gia đình đã được cấp một bếp gas như một phần của dự án, để thay thế cho bếp jiko - một loại bếp di động sử dụng than củi. Nhiều thiết bị phân hủy chất thải thành khí sinh học cũng được phát miễn phí, phần còn lại do công ty trợ cấp.
Giám đốc điều hành của Biogas International, ông Dominic Kahumbu, cho biết: “Thật may mắn khi có bèo tây. Những người già đang khó thở vì hít phải bụi than củi đang cần được chuyển đổi sang sử dụng khí sinh học”.
Tuy nhiên, ông Dominic Kahumbu thừa nhận, thiết bị phân hủy chất thải để tạo khí sinh học có giá khá cao, 650 USD/chiếc, chưa phù hợp với hầu hết các gia đình ở đây. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người ở Kenya chỉ hơn 1.800 USD vào năm 2020.
Ông cho biết, chi phí sản xuất mỗi thiết bị phân hủy chất thải thành khí sinh học cao khiến lợi nhuận khó có thể đạt được trong ít nhất 5 năm nữa. Công ty cần đầu tư vốn mới để mở rộng sản xuất nhiều thiết bị hơn.
Hai phiên bản lớn hơn của thiết bị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm sẽ sản xuất nhiên liệu sạch ở quy mô công nghiệp cho các nhà hàng, trang trại gia cầm và cơ sở sấy cá trong khu vực.