Quỳnh Anh ·
2 năm trước
 6535

MBBank bị 'tố' bỏ mặc Quan Minh 'chìm xuồng' trong nợ xấu, không với tới Thông tư 01 để nhận giúp đỡ từ Ngân hàng Nhà nước, sự thật là gì?

Thông tư 01 là một "cơ hội", có thể nói là chiếc "phao cứu sinh" cho các DN khó khăn trong dịch Covid-19. Tất nhiên, để nhận "phao" thì cần điều kiện, nhưng Quan Minh cho rằng không được phía MBBank hướng dẫn tận tình để có chiếc "phao" Thông tư 01 này dẫn đến nhiều khó khăn. Vậy sự thật đúng như vậy hay không? 

Công ty TNHH Quan Minh là chủ đầu tư dự án Ocean Park Vân Đồn, đây là một trong những “siêu” dự án (DA) bất động sản lấn biển hoành tráng nhất tại TT.Cái Rồng, H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 

Tuy nhiên, đây cũng là một trong rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn chung về triển khai dự án trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và được Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư hỗ trợ. Cụ thể:

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 20/2/2020, Công ty Quan Minh cũng đã có văn bản số 22 gửi MBBank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt về việc đề nghị cơ cấu lại nguồn vốn và gia hạn thời hạn trả nợ gốc. Công ty Quan Minh dự kiến sẽ hoàn thiện pháp lý dự án chậm nhất trong năm 2020, sau đó tiến hành thi công hoàn thiện hạ tầng dự án với thời gian từ 5-8 tháng.

Như vậy, đến Quý III/2021 dự án Khu đô thị Ocean Park sẽ đủ điều kiện tiến hành mở bán theo đúng quy định của pháp luật. MBBank đồng ý việc Công ty Quan Minh trả nợ gốc đến năm 2025 mới phải tất toán khoản vay.

mbbank

Một góc dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn tại Hòn Cặp Xe, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: MP

Nếu thực hiện theo đúng Thông tư 01/2020/TT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kể trên, thì nhóm nợ sẽ được giữ nguyên, nhưng điều kì lạ là MBBank không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 1) nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 mà thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ của Công ty TNHH Quan Minh sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn).

Và khi một doanh nghiệp bị đưa vào danh sách nợ nhóm 4 đồng nghĩa với việc có "lý lịch đen", thì khả năng huy động nguồn vốn phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn.  

và sự thật là từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020, Công ty Quan Minh liên tiếp gửi công văn đề nghị MBBank hỗ trợ khó khăn, tiếp tục giải ngân vốn để thi công dự án Ocean Park, nhưng MBBank đã lấy lý do chờ quy hoạch điều chỉnh 1/500 và công ty đang có nợ nhóm 4 để không giải ngân dự án.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh bày tỏ sự thất vọng trước cách làm việc của MBBank: “Họ làm như thế thì khác gì muốn bôi nhọ và cố tình làm khó Công ty Quan Minh. Không thể ngờ một “đế chế” tài chính lớn như MBBank lại hành xử theo “kiểu một mình một chợ”, đi ngược lại với sự chỉ đạo của Chính phủ và chính sách của Ngân hàng Nhà nước”. 

mbbank

Còn phía đại diện Ngân hàng MBBank đã phản hồi gì?

Về nội dung Công ty Quan Minh "tố cáo" MB không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, đại diện MB khẳng định, Công ty TNHH Quan Minh đề xuất và MB đã đồng ý cơ cấu nợ.

"MB đã xét tới các điều kiện khó khăn cụ thể của Công ty Quan Minh khi triển khai dự án và MB đã rất ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp".

Đại diện MB cho biết việc MB không hỗ trợ Công ty Quan Minh bằng cách giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước là do phía công ty đề nghị cơ cấu đến 36 tháng dài hơn so với thời hạn 12 tháng của Thông tư 01, nên phía MB không thể đáp ứng.

Vậy nhưng Công ty Quan Minh cho rằng đáng lẽ, khi cơ cấu nợ cho Công ty Quan Minh, MBBank cần chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp để chứng minh đủ điều kiện hưởng những ưu đãi từ chính sách “khoan sức dân” của Nhà nước từ Thông tư 01. Nhưng họ đã không làm như vậy.

Cũng theo ông Cường, Công ty Quan Minh đã nhiều lần có văn bản đề nghị MBBank chỉnh lại nhóm nợ từ nhóm 4 sang nhóm 1, theo Thông tư 01 của ngân hàng Nhà nước ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, dường như các văn bản này đều không nhận được phản hồi.

Tôi muốn hỏi rằng, trong câu chuyện "đấu tố" này, rốt cuộc ai đúng, ai sai?

MBBank làm như vậy có đúng với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hay chưa? Và nếu chưa, thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho uy tín bị tổn hại của doanh nghiệp trong trường hợp vì chậm giải ngân mà không thể đưa dự án "về đích" đúng hẹn với khách hàng? 

MBBank có thực sự đã im lặng trước văn bản đề nghị điều chỉnh nhóm nợ của Công ty Quan Minh hay không? Nếu có thì mục đích của sự im lặng này là gì? 

Thông tư 01 là một "cơ hội", có thể nói là một chiếc "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp khó khăn trong "lũ" dịch Covid-19. Tất nhiên, để nhận "phao" thì phải có điều kiện, nhưng Quan Minh cho rằng mình đã không được ngân hàng MBBank hướng dẫn tận tình cách để nhận chiếc "phao" Thông tư 01 này, dẫn đến rất nhiều khó khăn phía sau. Vậy sự thật có đúng như vậy hay không? 

Trên đây là những thông tin tôi nhặt lại nguyên gốc từ Nông Nghiệp và Dân Việt, không hề thêm bớt, tôi cần câu trả lời cho tất cả những điều này!