Ngọc Lan ·
4 tuần trước
 96878

Món ăn giúp bà chủ DOSUN FOOD vượt qua khó khăn sau 5 năm kiệt quệ vì buôn nhà đất

Người xưa cho rằng, khi bước qua và nhìn lại một vòng hoa giáp 12 năm, cuộc đời con người sẽ chứng kiến nhiều đổi thay, lên hay xuống theo thời vận. Với chị Nguyễn Thị Thủy, thật trùng hợp, 12 năm trước đánh dấu chuỗi sự kiện dữ dội nhất cuộc đời.

Gặp biến cố khiến đời “rơi xuống vực”, người phụ nữ tìm thấy lối thoát nhờ một món ăn

Chị Nguyễn Thị Thủy (1981, Phó Giám đốc công ty DOSUN FOOD) nhớ lại, thời điểm 2011, 2012, hai vợ chồng chị đang kinh doanh điện thoại. Ở tuổi 30  đầy tự tin ấy, chị mạnh tay đầu cơ bất động sản, gom vốn liếng, vay thêm của người này người khác để buôn đất ruộng, với hy vọng ôm lời khủng. Nhưng không có kiến thức, kinh nghiệm cũng chỉ ở mức 0, anh chị đầu tư sai, bị thua lỗ nặng, ôm nợ cả chục tỷ đồng.

Cay đắng nhất là cũng trong năm 2012, bố của tôi mắc bạo bệnh. Đúng lúc đó, tôi suy sụp về tài chính, bất lực vì không thể hỗ trợ được ông chạy chữa. Tôi vẫn nhớ năm ấy, ông nhanh chóng bỏ chúng tôi mà đi.

Tôi  mang hết điện thoại còn lại trong cửa hàng đi cầm, được 10 triệu đem về làm hậu sự cho ông. Nỗi cay đắng, ân hận, xót xa đó vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Sau cú sốc đó, tôi đã tự nhủ mình phải tìm cách vươn lên để có đủ lực chăm lo cho gia đình, những người yêu thương nhất của tôi”, chị Thủy tiết lộ thời điểm u ám nhất đời mình trong nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc công ty DOSUN FOOD.

Cửa hàng điện thoại, đất đai, vốn liếng tan sạch sau vụ đó, lại gánh thêm khoản nợ khổng lồ, năm 2013, chị Thủy xoay sang bán xúc xích, tô tượng ở các lễ hội địa phương. Hết dịp lễ hội, chị đi bán bánh cuốn ở chợ Nguyễn Công Trứ, ngày nào cũng dậy từ 3h sáng bán hàng đến trưa. May mắn, tiền bán hàng cũng đủ chi phí nuôi con, nhưng vẫn không có dư để trả nợ.

Chị Thủy chuyển sang bán món bún móng sườn mọc thịt. Chuyển cửa hàng mấy lần, rồi chị chốt địa điểm ở gần quê, ở xã Tả Thanh Oai (Hà Nội). Bán bún hết sáng, lại tiếc giờ chiều và tối, chị bán thêm bia hơi buổi trưa và đồ nướng ban tối. Chính sáng kiến này đã vô tình gợi ý cho chị việc trở thành bà chủ, mở công ty thực phẩm về sau này.

Trong số những món nhậu uống bia chị Thủy làm cho khách, dồi sụn là món đắt hàng nhất. Chị thật thà chia sẻ, đây là món được một người bạn bán hàng cơm chỉ cho chị cách làm. Từ công thức gốc bạn cho, chị Thủy tinh chỉnh lại, thêm các loại gia vị, rau củ để làm ra món dồi sụn best seller của quán bia.

Khách uống bia thấy thích, ăn hay hay, mua về cho gia đình cùng thưởng thức. Cứ thế người này bảo người kia, tôi tăng dần số lượng lên, dẹp cả quán bún, quán bia và đồ nướng, làm ngày làm đêm để đủ 500 - 700kg dồi sụn bán ra.

Rồi dần dần tôi nghĩ, mình bán được hàng, nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở địa phương. Phải làm sao để sản phẩm tiếp cận được tệp khách hàng rộng hơn, nhiều người biết hơn, bán được số lượng hàng tấn. Thế là dù không hiểu biết mấy về việc thành lập cơ sở, mở công ty, tôi vẫn liều”, chị chia sẻ. Công ty DOSUN FOOD (tiền thân là công ty DOSUN VIETNAM) đã được thành lập từ ý tưởng táo bạo đó, bởi bà chủ đầy máu liều, không muốn khép mình trong tư duy bán buôn nhỏ lẻ.

Kể từ khi “va” vào món dồi sụn đến giờ đã ngót 10 năm, chị Thủy từ bà chị cô bán món ăn kèm bia đến bà chủ công ty thực phẩm, vẫn còn nguyên niềm say mê, khát vọng phát triển kinh doanh. Sản phẩm dồi sụn nhà DOSUN đã có mặt ở một số nhà hàng, quán bia, hệ thống bún đậu mắm tôm, có doanh thu ổn định, nhưng bà chủ vẫn trăn trở về việc lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Gia đình là động lực mạnh mẽ

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, nhất là những năm tháng đầy áp lực khi từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển thành công ty, phải giải các bài toán về quản trị nhân sự, công nghệ, phát triển kinh doanh…, chị Thủy nhận định, bên cạnh khao khát kiếm tiền, gia đình chính là nguồn sức mạnh đẩy chị đi tiếp.

Đầy tự hào, chị kể: “Những ngày u ám sau sự cố 2012,  tôi làm việc điên cuồng, gần như không có thời gian chăm sóc con cái. Hai bé lớn (sinh năm 2005 và 2007) khi đó cũng vất vả, mới học lớp 3, lớp 4 đã tự tắm rửa, tự chăm sóc, tự bảo ban nhau đi học. Đến khi ủy ban gửi phong bì thưởng “con nhà nghèo học giỏi” về, tôi khóc luôn, mừng vì các con tự giác, hiểu chuyện, biết thương bố mẹ.

Tôi nghĩ chúng tôi không phải là cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn cố gắng để cho các con được học hành tới nơi tới chốn, và chú trọng giáo dục tâm hồn các con, hướng các con đến giá trị đạo đức, trung thực, chăm chỉ. Tôi cũng mong các con sau này có thể tiếp quản kinh doanh bằng tri thức và công nghệ, sẽ không vất vả như mình thời gian đầu khởi nghiệp, vừa làm vừa mò mẫm, phải trả giá rất nhiều”. 

Với chị Thủy, chồng cũng là chỗ dựa tuyệt vời, “nếu không có anh thì chắc tôi không làm được gì cả. Tôi khá liều lĩnh, còn anh lại cẩn trọng, chắc chắn hơn. Chúng tôi cứ thế mà bù đắp cho nhau, cùng nhau cải thiện từ gia đình đến việc kinh doanh”.

Chị Thủy tiết lộ, cách ứng xử vợ chồng, từ chỗ là bạn đời đến người cùng kinh doanh cũng có chút thay đổi, và chị luôn tìm cách cân đối để cả hai hạnh phúc. “Quan hệ cộng sự đôi khi làm mình căng thẳng cực kỳ, anh ấy lại là sếp nữa (cười). Được cái trong chúng tôi có niềm tin và tôn trọng lẫn nhau. Vợ chồng người khác nếu không cùng nhịp điệu thì chỉ ảnh hưởng đến gia đình, còn với chúng tôi, có thể gây nguy hại đến công việc, nên tôi luôn chú ý giữ gìn cốt lõi quan trọng là sự hòa hợp. Có một “bí mật” nhỏ, ấy là tôi luôn dành những lời yêu thương, ngọt ngào cho chồng, và vì thế cũng được nhận lại tương tự

Tôi đổ tình yêu của chồng, con, của bạn bè người thân dành cho mình vào sản phẩm, vào công việc, lấy đó là động lực và thúc đẩy mình tiến lên. Sau 14 lần chuyển nhà thuê, chúng tôi giờ đã có nhà ở, có xưởng sản xuất, có đường hướng để phát triển kinh doanh. Tôi tâm niệm mình phải sống thật tử tế vì ông trời đã cho mình quá nhiều!”.