Thành Vũ ·
51 tuần trước
 9139

Một bệnh viện Đa khoa bị xử phạt do vi phạm về môi trường

Thanh tra Bộ TN&MT đã ra quyết định xử phạt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương do vi phạm môi trường. Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này bị xử phạt do xả thải trái phép ra môi trường.

Theo Quyết định số 130/QĐ-XPHC ngày 27/11/2023, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) do vi phạm về môi trường.

BV bị phạt hơn 439,6 triệu đồng vì 2 hành vi vi phạm môi trường: Gồm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng chất thải từ 200m3/ngày đêm (24 giờ) đến dưới 400m3/ngày đêm; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải. Trước đó, năm 2022 BV thực hiện quan trắc nước thải thiếu các thông số As, Hg, Pb, Cd, Fe, chất hoạt động bề mặt theo quy định.

Quyết định nêu rõ BV Đa khoa tỉnh Hải Dương cũng buộc phải thực hiện cải tạo, khắc phục hệ thống xử lý nước thải bảo đảm nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép; báo cáo việc cải tạo, khắc phục hệ thống xử lý nước thải và gửi báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải về Sở TN&MT tỉnh trước ngày 31/12/2023.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, BV phải chi trả hơn 9 triệu đồng kinh phí phân tích mẫu môi trường đối với các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Trước đó, giữa năm 2018 BV Đa khoa tỉnh Hải Dương cũng đã bị Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phát hiện có hành vi xả thải trái phép ra môi trường, bị xử phạt 200 triệu đồng.

Sau đó, BV đã đầu tư để khắc phục, sửa chữa trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên trong báo cáo cuối năm 2020, đơn vị thừa nhận hệ thống điện, máy móc và các thiết bị của trạm xử lý nước thải hoạt động còn chưa ổn định. Bao gồm các sự cố nhỏ trong giai đoạn đầu sau khi được khắc phục, sửa chữa, cụ thể như sau: Các máy bơm đôi lúc không hoạt động hoặc bị quay ngược chiều; Các máy thổi khí chìm tại 3 bể điều hòa thi thoảng bị nghẹt, bị dừng hoạt động; Hệ thống van khóa, đầu nối, đầu bịt … trên đường ống cấp thi thoảng bị rò rỉ, vỡ dẫn đến phải thay thế, khắc phục lại; Bơm định lượng hóa chất bị tắc, không hoạt động được.

Đồng thời các kết quả quan trắc mẫu nước thải còn một số chỉ số còn vượt so với ngưỡng.

Với những sự cố về hệ thống điện, máy móc và các thiết bị, theo BV, nhà thầu thi công giải thích như sau: Do hệ thống máy móc đã cũ, ngâm trong nước gần 10 năm không hoạt động nên việc sửa chữa, khắc phục có nhiều khó khăn, phức tạp; vì vậy không thể hoạt động ổn định ngay được. Các máy bơm, máy thổi khí chìm, máy thổi khí cạn... không được thay mới, chỉ sửa chữa, quấn lại động cơ nên có những hạn chế nhất định khi hoạt động.

Sau những lần Điện lực TP ngắt điện để sửa chữa theo thông báo thì có một số các pha điện bị đảo dẫn đến các máy bơm bị đảo chiều, phải đấu lại cực cho các động cơ; vì đa phần các động cơ này công suất lớn và dùng điện áp 3 pha từ lưới điện TP.

Về việc một số chỉ tiêu nước thải không đạt chuẩn, BV lý giải trạm xử lý nước thải của BV được thiết kế có công suất 500m3/ngày đêm phù hợp với tiêu chuẩn 500 giường bệnh tại thời điểm năm 2008.

Hiện nay số giường bệnh theo kế hoạch của BV là 900 giường, thực tế có thời điểm trên 1.150 giường bệnh. Như vậy, số giường bệnh hiện nay tại BV đã lớn hơn gấp 2 lần so với thiết kế ban đầu nên hàm lượng Nitơ và Amoniac cao, khó xử lý để đạt được dưới ngưỡng cho phép bằng công nghệ hiện hữu. Bên cạnh đó, đơn vị cho rằng công nghệ Trạm xử lý nước thải của BV có từ năm 2000 cũng đã lạc hậu không còn phù hợp.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7127917877267907