Vào ngày 7/6, UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối đối với CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, số tiền bị phạt là 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo đó, doanh nghiệp này đã không gửi nội dung công bố thông tin (CBTT) cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội những tài liệu gồm: Báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021, BCTC năm 2022, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.
Bên cạnh đó, Tân Hoàn Cầu Bến Tre cũng gửi không đúng thời hạn tài liệu nội dung CBTT cho HNX: Nội dung CBTT về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn của mã trái phiếu THCBTH2032002.
Theo đó, lô trái phiếu mã THCBTH2032002 có mệnh giá 884,4 tỷ đồng được doanh nghiệp phát hành vào ngày 18/2/2020 với kỳ hạn 12 năm.
Cùng với lô trái phiếu này, Tân Hoàn Cầu Bến Tre đang ghi nhận dư nợ trái phiếu lên đến 2.288 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 và được phát hành năm 2020 và 2021 với kỳ hạn 12 năm.
Tân Hoàn Cầu Bến Tre sẽ dùng số tiền thu về từ đợt phát hành để thanh toán chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải 1, 3, 4. Theo đó, các thương vụ trái phiếu của Tân Hoàn Cầu Bến Tre đều được thu xếp bởi Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Tính đến hết năm 2022, Tân Hoàn Cầu Bến Tre còn có khoản vay ngắn hạn hơn 1.130 tỷ đồng từ tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, chủ đầu tư Nhà máy điện gió số 5 - Thạnh Hải cũng cần phải trả thêm 1.500 tỷ đồng cho người bán ngắn hạn, đẩy tổng nợ cuối năm ngoái lên tròn 5.000 tỷ đồng, so với con số đầu năm tăng hơn 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm của Tân Hoàn Cầu Bến Tre chỉ đạt 1.429 tỷ đồng, trong khi vốn cổ phần là 1.500 tỷ đồng, có thể thấy là các khoản vay nợ đang áp đảo gấp 3,5 lần. Vốn chủ sở hữu bị giảm 85 tỷ đồng so với năm 2022.
Chi phí lãi vay đã "dìm" lợi nhuận năm 2022 của Tân Hoàn Cầu Bến Tre xuống ngưỡng âm sâu nhất từ khi hoạt động. Khi đó, doanh nghiệp này đã phải bỏ ra đến hơn 103 tỷ đồng để trả cho các chủ nợ.
Đó vẫn chưa phản ánh toàn bộ tiền lãi Tân Hoàn Cầu Bến Tre cần trả trong năm, vì một số lớn sẽ được vốn hóa vào chi phí dự án, nằm trong nhóm tài sản dài hạn, đang chiếm đến 79% tổng tài sản của họ (5.039 tỷ đồng).
Được biết, nhà máy điện gió số 5 có công suất 120MW, gồm 24 tuabin gió công suất từ 3,3 MW đến 4,5MW, được xây dựng mới hoàn toàn trên biển, diện tích mặt biển sử dụng khoảng 48 ha. Theo dự kiến tới tháng 10/2021, nhà máy sẽ hoàn thành thi công lắp đặt trụ tua-bin gió và hoà vào lưới điện quốc gia.
Theo tìm hiểu, Tân Hoàn Cầu Bến Tre được thành lập vào tháng 9/2018 có vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, đây là thành viên trong hệ sinh thái Tân Hoàn Cầu Group của đại gia Mai Văn Huế (SN 1975).
Theo đó, Tân Hoàn Cầu Group đã từng đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD vào 2025.
Bên cạnh Tân Hoàn Cầu Bến Tre, Tân Hoàn Cầu Group còn có 5 công ty thành viên khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năng lượng gồm: CTCP Năng Lượng Quảng Trị, CTCP Đầu tư Thanh Hoa, CTCP Thủy điện Trường Sơn, CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước, cùng một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nước sạch là CTCP Nước sạch THC.
Ngoài ra, ông Mai Văn Huế cũng là người đại diện pháp luật của :Điện gió Hướng Linh 4, CTCP Tập đoàn Đầu tư MT Đông Đô, CTCP Phát triển năng lượng sạch Hướng Linh và CTCP Tân Hoàn Cầu Thạnh Phú.