Vào ngày 30/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 395/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ, số tiền TVSI phải nộp là 125 triệu đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo đó, vào ngày 3 và 4/6/2021, tỷ lệ ký quỹ ban đầu của một số tài khoản khách hàng thấp hơn 50% theo quy định thế nhưng TVSI đã giải ngân cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ khi khách hàng không bảo đảm tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Trước đó, vào hồi tháng 10/2022, TVSI có thông báo sẽ tạm dừng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho tới khi có thông báo tiếp theo. Cùng với đó, công ty chứng khoán này cũng tạm thời dừng nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho TVSI.
Ngoài ra, vào tháng 1/2023, TVSI còn bị phạt do loạt vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ từ ngày 1/1/2021 đến 5/9/2022, số tiền phải nộp phạt là 745 triệu đồng.
Bên cạnh đó, TVSI cũng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/2022 do Công ty lập không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến 17/9.
Trước đó, về lô trái phiếu của Tập đoàn An Đông, mối quan hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, TVSI cho hay, TVSI hoạt động độc lập, không liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bên cạnh đó, SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không phải cổ đông của TVSI và hoàn toàn không có tác động đến việc điều hành TVSI.
Về tình hình kinh doanh, TVSI ghi nhận doanh thu hoạt động giảm hơn 24% xuống còn 2.538 tỷ đồng trong năm 2022. Lãi sau thuế giảm 34% (còn 389 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của TVSI giảm mạnh về mức 4.337 tỷ đồng (giảm hơn 35%). Trong đó, tiền mặt ở mức 1.967 tỷ đồng (gấp 5,6 lần đầu năm). Song, vào cuối quý 3 tiền mặt của Công ty giảm so với mức 3.048 tỷ đồng (giảm gần 35%).
So với đầu năm, dư nợ cho vay giảm mạnh xuống còn gần 363 tỷ đồng (giảm tới 93%).
Ngược lại, số dư tài sản tài chính FVTPL gấp đôi đầu năm (đạt hơn 1.913 tỷ đồng). Nguyên nhân là do Công ty gia tăng số dư trái phiếu chưa niêm yết lên mức gần 1.692 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm).
Về nguồn vốn, doanh nghiệp này đã giảm nợ phải trả từ mức gần 3.162 tỷ đồng xuống còn hơn 368 tỷ đồng, trong đó khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn giảm mạnh (từ gần 1.698 tỷ đồng xuống còn gần 40 tỷ đồng). Nợ dài hạn từ trái phiếu cũng giảm (từ 840 tỷ đồng xuống còn 40.5 tỷ đồng).
Theo quy định, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn, chia thưởng trong thời hạn kiểm soát đặc biệt. Cùng với đó, không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán... Bên cạnh đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, đầu tư bất động sản và hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng. Công ty chứng khoán chỉ được quản lý tiền giao dịch chứng khoán theo phương thức khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Sở Giao dịch chứng khoán sau một tháng sẽ thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt. Khi công ty chứng khoán được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt thì việc đình chỉ sẽ kết thúc. |