Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố kế hoạch mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Cụ thể, vào ngày 21/7 OCB sẽ tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của mã OCBL2225009.
Được biết, trái phiếu thuộc lô OCBL2225009 được phát hành vào ngày 21/7/2022 với kỳ hạn 3 năm, mục đích là để tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ nhu cầu cho vay trong hoạt động kinh doanh của OCB.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Nhà băng này trước đó cũng tiến hành nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Theo Chứng khoán VnDirect thống kê, trong quý 2/2023 ngân hàng này đã mua lại 5.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Bên cạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn, OCB cũng tích cực triển khai các đợt phát hành trái phiếu mới.
Vừa qua, Hội đồng quản trị OCB đã thông qua việc chào bán và phát hành tối đa 26.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023. Theo OCB, ngân hàng luôn thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ đến hạn trong giai đoạn 2020-2022. Mức 26.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trong năm nay cũng là lượng trái phiếu phát hành lớn nhất tại ngân hàng này từ trước đến nay.
Theo dự kiến, trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng với lãi suất danh nghĩa cố định hoặc thả nổi hoặc kết hợp giữa cố định và thả nổi. Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi hoặc kết hợp thì cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa là bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng đang áp dụng tại các NHTM cổ phần quốc doanh (hoặc lãi suất VNIBOR, hoặc lãi suất trái phiếu Chính phủ tương ứng kỳ hạn của trái phiếu phát hành) cộng (hoặc trừ) với biên độ xác định.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu tối thiểu 1 năm kể từ ngày phát hành.
Theo kế hoạch 26.000 tỷ đồng trái phiếu này sẽ được phát hành theo 13 đợt với giá trị mỗi đợt 1.000-2.000 tỷ đồng và được phát hành với mục đích cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về tình hình kinh doanh, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ tăng 18%.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của OCB đạt hơn 199.141 tỷ đồng, so với cùng kỳ trong đó tăng 6,1%, hoạt động cho vay khách hàng đạt gần 121.914 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 15%, tổng huy động thị trường 1 đạt 143.752 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 15%. Riêng tiền gửi khách hàng tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ (tương đương đạt 105.564 tỷ đồng).
Trong kỳ, ngân hàng OCB giảm 21% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm ngoái, từ 434 tỷ đồng xuống còn 342 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 3,3% trong khi ban lãnh đạo cho biết đã thu hồi nợ của FLC và Đại Nam.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, số dư nợ xấu của OCB tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng bị kéo tăng (từ 2,2% lên 3,3%).
Trong năm nay, ngân hàng này sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động. Trong đó. tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Ngân hàng OCB đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 tổng tài sản đạt 242.152 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 25%. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% (lên 173.087 tỷ đồng). Dư nợ thị trường 1 tăng 20% (lên 147.330 tỷ đồng) và sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). OCB cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng cho năm 2023, so với kết quả năm 2022 tăng 37%. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6622690994457267/?