Bích Ngọc ·
46 tuần trước
 9303

Một ngân hàng thông báo sắp phát hành thêm 8.100 tỷ đồng trái phiếu với mục đích gì?

Được biết, ngân hàng này sẽ phát hành 8.100 tỷ đồng trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mục đích phát hành là để tăng vốn cấp hai trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Hose: BID) đã có công bố thông tin bất thường của Hội đồng Quản trị BIDV về việc thông qua nội dung phê duyệt phương án phát hành trái phiếu tăng vốn của ngân hàng này với hình thức phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 1 (từ tháng 6/2023 đến hết quý 3/2023) nhằm tăng vốn cấp 2.

Theo đó, tối đa tổng giá trị phát hành trái phiếu theo mệnh giá là 8.100 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trong đó, lãi trái phiếu sẽ được trả sau, định kỳ hàng năm hoặc tùy theo quy định cụ thể của nhà băng này vào mỗi đợt phát hành. Gốc trái phiếu được trả 1 lần (vào ngày đáo hạn) trừ trường hợp trái phiếu được BIDV mua lại trước hạn.

BIDV sẽ phát hành 8.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo để tăng vốn cấp hai. Nguồn ảnh: Internet.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý 1/2023 vừa được BIDV công bố. Theo đó, ghi nhận BIDV có tổng tài sản đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4,9%, tiền gửi khách hàng tăng 1,6%.

Dựa vào báo cáo tài chính quý 1 cho thấy, thu nhập lãi thuần ngân hàng này đạt gần 14.000 tỷ đồng (tăng 8,6%), lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.517 tỷ đồng (tăng 19%), lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 672 tỷ đồng (tăng 15%), lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt 65,5 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chỉ duy nhất, lãi thuần từ hoạt động khác suy giảm 33%, chỉ đạt 976 tỷ đồng.

Ngân hàng BIDV chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 5.527 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 25,2% (giảm hơn 1.800 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt tới gần 6.920 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 53,3%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 5.560 tỷ đồng (tăng 52,8%). Trong đó, ngân hàng mẹ có lợi nhuận sau thuế là 5.307 (tăng 58%).

Với kết quả trên, về bảng xếp hạng lợi nhuận toàn hệ thống BIDV đang vươn lên vị trí thứ hai và chỉ đứng sau Vietcombank. Dù lợi nhuận quý 1 tăng mạnh thế nhưng BIDV chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 10-15%. Ngân hàng này cũng dự kiến dành nguồn lực lớn trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Về chất lượng tín dụng, trong ba tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng hơn 40% (lên 24.730 tỷ đồng), từ đó đã kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Ngân hàng BIDV từ đầu tháng 6 đến nay liên tục đưa ra thông báo bán đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của nhóm công ty.  

Khoản nợ của nhóm công ty gồm Công ty TNHH Thanh Trang, Công ty TNHH MTV Nước giải khát Việt Trang và Công ty TNHH MTV Hoàng Lan tính đến ngày 2/6/2023 có tổng dư nợ là 190,57 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc là 124 tỷ đồng, dư nợ lãi 66 tỷ đồng).

Tuy vậy, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này chỉ 137 tỷ đồng, so với tổng dư nợ thì thấp hơn rất nhiều. 

Cũng thuộc nhóm công ty gồm Tập đoàn Phú Minh Sơn và CTCP Thanh Tâm hiện đang có tổng dư nợ tại BIDV là hơn 582 tỷ đồng, theo đó của riêng Tập đoàn Phú Minh Sơn chiếm tới 444,8 tỷ đồng, còn của Thanh Tâm là hơn 137,6 tỷ đồng. Nhưng mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra chỉ bằng 59% tổng dư nợ (tương ứng 346 tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, toàn bộ dư nợ của nhóm công ty CTCP Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu và CTCP Đầu tư xây lắp Trí Đức cũng được BIDV bán đấu giá (tính đến ngày 15/3 là 543 tỷ đồng). Theo đó, dư nợ của Phú Minh Châu là 363,7 tỷ đồng, còn Trí Đức là 179 tỷ đồng và giá khởi điểm cũng chỉ ở mức 328,7 tỷ đồng.

Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6531147583611609/?