Mới đây, ngày 12/6 HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) đã có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2022.
Theo đó, nhà băng này này sẽ mua lại 4 lô trái phiếu mã ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 có tổng mệnh giá mua lại tối đa là 10.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đối với lô trái phiếu mã ACBH2124005 ngày được phát hành là ngày 22/6/2021 và có thời gian đáo hạn là ngày 22/6/2023. Còn lô trái phiếu mã ACBH2124006 được phát hành vào ngày 23/6/2021 và có thời gian đáo hạn là ngày 23/6/2023. Tổng mệnh giá phát hành tối đa là 2.500 tỷ đồng, có nghĩa là mỗi trái phiếu sẽ có mệnh giá là 1 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm.
Bên cạnh đó, hai lô trái phiếu còn lại mã ACBH2124011 và ACBH2124012 sẽ được thanh toán vào ngày 8/7/2023 và 15/7/2023. Trong đó, giá mua lại trái phiếu sẽ bằng 100% tổng mệnh giá phát hành.
Được biết, nguồn mua lại được ngân hàng này sử dụng từ nguồn thu các khoản cho vay VNĐ trung và dài hạn hoặc các nguồn cho vay, đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu trước hạn.
Về trái phiếu của ACB, ở ĐHĐCĐ thường niên 2023( ngày 13/5), Tổng giám đốc ngân hàng ACB Từ Tiến Phát cho hay, tại ngân hàng danh mục trái phiếu hoàn toàn lành mạnh và an toàn. Năm 2023 ACB có chiến lược là tiếp tục không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu của tổ chức tín dụng).
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cũng đã chỉ rõ ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hơn 32.000 tỷ đồng trái phiếu ACB nắm giữ thì có 85% trong đó là trái phiếu Chính phủ và 15% trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Kết thúc quý 1/2023, ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2022 (hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023). Đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Theo đó, ngân hàng này có dư nợ hơn 36.055 tỷ đồng trái phiếu lưu hành.
Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức
Vào ngày 7/6, để trả cổ tức năm 2022 ACB đã phát hành hơn 506,6 triệu cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu này sẽ được phân phối cho 58.268 cổ đông của ngân hàng.
Phương án phát hành này đã đưa vốn điều lệ ngân hàng này tăng nhanh từ 33.774,4 tỷ đồng lên vượt mức 38.840 tỷ đồng, đang có hơn 3,88 tỷ cổ phiếu được lưu hành.
Trước đó, ACB đã có thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 2/6 để thực hiện quyền chia cổ tức năm 2022 (bằng cổ phiếu 15% và bằng tiền mặt 10% với 1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ngoài lượng cổ phiếu trả cổ tức trên, cổ đông của ngân hàng còn được nhận thêm tổng cộng hơn 3.774 tỷ đồng cổ tức tiền mặt vào ngày 12/6. Đáng chú ý, sau 8 năm đây mới là lần đầu chia cổ tức tiền mặt trở lại. Lần gần nhất mà nhà băng này chi tiền mặt là vào giữa năm 2015, tỷ lệ 7% với 700 đồng cho mỗi cổ phiếu, tại thời điểm đó tổng số tiền đã thanh toán là 627 tỷ đồng.
Ngoài ACB, trước đó có nhiều nhà băng đã chi hàng ngàn tỷ để mua lại trái phiếu trước hạn như: Techcombank, Quân Đội, VPB, BIDV, Phương Đông... Theo Fiin Group, tại thời điểm tháng 4 nhóm ngân hàng chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại. So với tháng 3, giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại tăng 5,64 lần và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022. |