Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5775

Một nhà băng có lợi nhuận “bốc hơi”, nợ xấu tăng mạnh trong quý 1/2023

Quý 1/2023, OCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, so với đầu năm giảm hơn 43%. Cùng với đó, nợ xấu nội bảng của OCB đạt mốc 4.405 tỷ đồng, so với đầu năm tăng hơn 51%. Chỉ số CASA của ngân hàng này giảm xuống mốc 5,48%.

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1/2023 cho thấy, tổng tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (HoSE: OCB) đạt mức 199.141 tỷ đồng (tăng 2,65% so với đầu năm). Cho vay khách hàng đạt 120.021 tỷ đồng (tăng 1,52% so với đầu năm và tăng 15.05% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, nhà băng này chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 43,49%.

Về chất lượng tín dụng, OCB có tỷ lệ nợ xấu và nợ cần chú ý đều tăng. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 53,70% so với đầu năm (lên mức 1.030 tỷ đồng), Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 55.30% so với đầu năm (lên mức 971 tỷ đồng); Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 48,66% so với đầu năm tăng 102,08% so với cùng kỳ lên mức 2.043 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của OCB cũng tăng mạnh 62,07% so với đầu năm (lên mức 4.917 tỷ đồng). Mặc dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc Nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao.

Nợ xấu nội bảng của ngân hàng OCB tăng mạnh trong quý 1/2023. Nguồn ảnh: Internet.

Thông tư 11/2021/TT-NHNN về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng cho biết, nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích lập dự phòng rủi ro, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới tiêu chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn phải trích lập 100%.

Vậy đối với tổng nợ xấu nội bảng và nợ cần chú ý của OCB trong quý 1/2023 lần lượt ở mức 4.045.997 tỷ đồng và 4.917.329 tỷ đồng thì trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của ngân hàng này sẽ ở mức 2.981,501 tỷ đồng.

Tuy vậy, BCTC quý 1/2023 cho thấy, OCB chỉ trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng mức 1.892.489 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với mức 1.582.259 tỷ đồng vào đầu năm nay. Trong khi, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng gần 1.000 tỷ đồng.

Vì vậy, trong quý 1/2023 tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB chỉ ở mức 46,77%, tỷ lệ dự phòng rủi ro chỉ ở mức 1,55%.

Theo giới chuyên gia ngành ngân hàng, nếu nắm giữ nhiều khoản nợ xấu mà không trích lập dự phòng tương ứng ngân hàng sẽ gặp rủi ro. Do nợ khó đòi, thu nhập từ hoạt động cho vay giảm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động liên tục leo thang nhưng vẫn không hút được tiền về khiến hoạt động tín dụng của ngân hàng bị hạn chế.

Các ngân hàng tự tạo ra bộ đệm an toàn cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo chất lượng tài sản và ổn định hệ thống trong tương lai nhờ việc trích lập dự phòng cao gấp nhiều lần nợ xấu.

Cùng kết quả kinh doanh kém sắc, BCTC quý 1/2023 của OCB còn cho thấy có nhiều sự bất ổn. Cụ thể, tính đến hết quý 1/2023, OCB có tổng tiền gửi là 105.564 tỷ đồng tăng 3,28% so với đầu năm và tăng 7,19% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chỉ đạt 8.900 tỷ đồng (giảm hơn 20% so với đầu năm) và chỉ chiếm 8,48% trong tổng huy động vốn. Dẫn tới chỉ số CASA của OCB điều chỉnh từ 7,25% đầu năm xuống 5,48%.

Một phần kết quả này cũng do tình hình thị trường chung. Nhìn vào BCTC của các ngân hàng cho thấy, tiền gửi không kỳ hạn - CASA đồng loạt giảm mạnh trong quý 1/2023. Thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi cao.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (là số dư dự phòng rủi ro cho vay/nợ xấu), được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của nhà băng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu.

Chỉ số CASA (là số dư tiền gửi không kỳ hạn + Ký quỹ/tổng tiền gửi + Phát hành giấy tờ có giá), được dùng là chỉ số đại diện cho mức độ cạnh tranh của các nhà băng. Tỷ số CASA của ngân hàng càng cao chứng tỏ sức khỏe tài chính của ngân hàng càng tốt và ngược lại.

Tạ Ngọc