Thảo Ly ·
3 năm trước
 2836

Một trong hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng được 'nghỉ hưu', miễn...đẻ

Sudan, con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng đã chết. Hiện nay trên thế giới chỉ còn 2 con tê giác trắng phương Bắc trắng cuối cùng và không thể tự mang thai.

Ol Pejeta (Kenya) là một trong những khu bảo tồn tê giác lớn nhất thế giới. Nơi đây là chốn cưu mang cho nhiều con vật được giải cứu từ chợ đen. Những mô hình như Ol Pejeta góp phần bảo tồn, chăm sóc sức khỏe động vật hoang dã. 

Đây cũng là nơi sinh sống của Najin (mẹ) và Fatu (con), hai mẹ con tê giác trắng phương bắc cuối cùng còn tồn tại trên thế giới. Trước đó vào tháng 3/2018, Sudan, con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng đã chết. Khi chỉ còn hai con cái tồn tại trên thế giới, tương lai của loài tê giác quý hiếm này đang bị đặt dấu hỏi lớn.

 tê giác trắng phương Bắc

Mẹ con tê giác Najin và Fatou là hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng

Tê giác trắng phương Bắc, thực ra có màu xám, từng được thả rông ở một số quốc gia ở Đông và Trung Phi, nhưng số lượng của chúng giảm mạnh do nạn săn trộm để lấy sừng tê giác. Từ năm 2006, nhân loại đã không còn ghi nhận bất kỳ cá thể tê giác trắng phương Bắc nào sống trong môi trường tự nhiên.

Tại Ol Pejeta, hai cá thể tê giác trắng phương bắc cuối cùng được bảo vệ bởi những nhân viên trang bị vũ trang, chó nghiệp vụ, máy bay không người lái... Tất cả để đảm bảo không có điều gì gây hại đến tính mạng hai cá thể tê giác quý hiếm còn sót lại.

"Nhóm nghiên cứu đã đi đến quyết định cho con tê giác mẹ, Najin, 32 tuổi, nghỉ hưu và không hiến trứng nữa" - Reuters dẫn tuyên bố của Biorescue cho hay.

Biorescue viện dẫn các cân nhắc về đạo đức, đồng thời tính đến các dấu hiệu bệnh tật và tuổi tác của Najin.

 tê giác trắng phương Bắc

Tê giác Najin, 32 tuổi, được “nghỉ hưu'' - Ảnh: Viện nghiên cứu động vật hoang dã và vườn thú Leibniz

Các nhà khoa học hy vọng có thể cấy phôi được tạo ra từ tế bào trứng của tê giác và tinh trùng đông lạnh từ những con đực đã chết vào những con tê giác mang thai hộ.

Tới này, bằng việc sử dụng trứng từ Najin và Fatu và tinh trùng đông lạnh của những con đực cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã tạo ra 5 phôi. Bước tiếp theo, họ sẽ tìm con tê giác trắng phương nam phù hợp để mang thai và sinh hộ. Trong tương lai, nếu thành công, đây có thể là khởi đầu cho sự trở lại của loài tê giác trắng phương bắc quý hiếm.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể chào đón con tê giác trắng phương Bắc đầu tiên trong vòng 3 năm nữa và một quần thể rộng lớn hơn trong hai thập kỷ tới.