Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tập đoàn bảo hiểm Prudential đang lên kế hoạch công bố một chương trình đầu tư đầy tham vọng nhằm mục tiêu giảm lượng phát thải carbon ở châu Á.
Chương trình này dự kiến được công bố tại hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 tới. Nội dung chính là kêu gọi việc mua lại các nhà máy nhiệt điện than đã đi vào hoạt động, sau đó dừng các nhà máy này sớm hơn kế hoạch ban đầu.
Các nhà máy nhiệt điện than có thể đóng cửa sớm hơn kế hoạch để bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)
Ngoài ADB và Prudential, HSBC cũng sẽ tham gia trong kế hoạch tìm kiếm mua lại và đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện tại Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Nguồn tin độc quyền từ Reuters cũng đã nhắc đến kế hoạch trên, trong đó đề cập thêm sự hiện diện của Citi và BlackRock Real Assets.
Nhóm này sẽ thành lập các quan hệ đối tác công – tư để mua lại các nhà máy và cho dừng hoạt động trong vòng 15 năm (quãng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với tuổi thọ thông thường của một dự án nhiệt điện là 30 đến 40 năm).
Việc làm này sẽ giúp người lao động có thời gian nghỉ hưu, hoặc tìm kiếm việc làm mới, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phép các quốc gia chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
ADB đã phân bổ khoảng 1,7 triệu USD cho các nghiên cứu khả thi tại Philippines, Việt Nam và Indonesia nhằm ước tính chi phí của việc đóng cửa sớm, những tài sản có thể mua được, cũng như việc kết hợp với các Chính phủ và các bên liên quan.
Chi phí để dừng hoạt động sớm hơn kế hoạch một nửa công suất điện than tại mỗi quốc gia vào khoảng 1 - 1,8 triệu USD/MW. Điều này đồng nghĩa rằng mức chi phí cho Indonesia sẽ vào khoảng 16 - 29 tỉ USD, Philippines là 5 - 9 tỉ USD và Việt Nam là khoảng 9 - 17 tỉ USD.
Sáng kiến này được đưa ra khi các ngân hàng thương mại và phát triển rút vốn tài trợ cho các nhà máy điện than mới nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu dưới áp lực từ các nhà đầu tư lớn.
Một lãnh đạo HSBC nhấn mạnh: “Giải quyết sự phụ thuộc vào điện than, đặc biệt tại châu Á, là một ưu tiên cấp thiết trong quá trình chuyển đổi sang không phát thải”.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi khu vực này vẫn đang lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than mới.
Tổ chức tài chính Carbon Tracker cuối tháng 6 vừa qua cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy mới với tổng công suất hơn 300 GW, chiếm tới 80% số các nhà máy mới được quy hoạch trên thế giới và 75% công suất điện than hiện có.